Ngày
18-12-2013, cái gọi là Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) đã công bố báo cáo thường
niên, trong đó đưa ra thống kê về "các nhà báo bị cầm tù" trên thế giới.
Từ nội dung liên quan tới Việt Nam trong báo cáo, có thể đặt câu hỏi: Phải
chăng, CPJ không chỉ vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, mà
còn tiếp tay cho một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật?
Từ năm 1990,
cái gọi là "Ủy ban bảo vệ các nhà báo" (CPJ, có trụ sở tại New York -
Hoa Kỳ) bắt đầu tổ chức "nghiên cứu", thống kê và công bố báo cáo về
tình trạng giam giữ các nhà báo trên toàn cầu. Trong báo cáo của các năm trước,
CPJ đã nhiều lần sử dụng thủ đoạn "đổi trắng thay đen" để xuyên tạc,
vu cáo tình hình báo chí ở Việt Nam. Báo cáo năm 2013 cũng vậy, CPJ xếp Việt
Nam vào vị trí thứ năm trong số các quốc gia có "nhà báo bị cầm tù",
với lập luận rằng: sở dĩ số lượng nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam tăng lên là do
chính quyền tăng cường đàn áp blogger - những đối tượng được CPJ gắn cho nhãn
hiệu "nhà báo độc lập"!
Tuy nhiên,
nhìn vào danh sách CPJ liệt kê rồi liên hệ với sự thật, người am hiểu vấn đề đều
có thể nhận ra và khẳng định đó là các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật
Việt Nam, đã bị xử lý theo pháp luật. Việc này không mới. Bởi những năm gần
đây, CPJ đã nhiều lần đưa ra nhận xét, đánh giá sai lệch tình hình tự do báo
chí ở Việt Nam, ca ngợi một số blogger và mấy kẻ xuất hiện trên internet chỉ để
xuyên tạc, tuyên truyền kích động chống phá Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Gần đây,
ngày 17-11-2013, CPJ trao giải "Tự do báo chí quốc tế" cho bốn cá
nhân, trong đó có Nguyễn Văn Hải (tức blogger "Ðiếu cày") - đối tượng
đang phải thụ án 12 năm tù về tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt
Nam". Không dừng ở đó, CPJ còn phát động chiến dịch ký thỉnh nguyện thư
"ủng hộ các nhà báo Việt Nam bị cầm tù", rồi gửi thư tới lãnh đạo Ðảng,
Nhà nước Việt Nam đưa ra đòi hỏi rất vô lý. Thậm chí, CPJ còn gửi thư tới chính
quyền Mỹ để đề nghị gây sức ép với Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền! Tại
sao mang danh là tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập, mà những người ở CPJ
lại biến tổ chức này thành công cụ phục vụ cho các mưu toan của một số thế lực
thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam?
Năm 1981, tại
Hoa Kỳ, một nhóm người đứng ra thành lập CPJ với mục đích "khuyến khích tự
do báo chí toàn cầu và bảo vệ quyền của các nhà báo trong việc truyền tải thông
tin mà không sợ bị tấn công, cầm tù, giết hại, bắt cóc, đe dọa, kiểm duyệt hoặc
sách nhiễu". Hoạt động chủ yếu của CPJ là đưa tin, xuất bản các bài báo,
phóng sự, tạp chí và tiến hành khảo sát hằng năm về tự do báo chí toàn cầu; lựa
chọn, trao giải "tự do báo chí quốc tế" cho các "nhà báo"
và những người bảo vệ quyền tự do báo chí đã bị đánh đập, đe dọa hoặc cầm tù;
tham gia sáng lập và hỗ trợ hoạt động của mạng lưới tự do trao đổi ý kiến quốc
tế. Tuy nhiên, mục đích ít nhiều có tính tích cực ấy lại không được CPJ tuân thủ
nghiêm ngặt. Chỉ riêng các ý kiến về hoạt động báo chí ở Việt Nam đã cho thấy,
CPJ thiếu thiện chí, vô căn cứ và thiếu tinh thần xây dựng. Không rõ vì coi nhẹ
yếu tố khách quan, hay không đủ năng lực, nhân sự, kinh phí tiến hành các khảo
sát, điều tra, tìm hiểu cụ thể, nghiêm túc về tự do báo chí tại các nước, trong
đó có Việt Nam, mà các kết luận của CPJ rất thiếu thực tế, thậm chí là xuyên tạc
thực tế. Nhìn vào những thông tin, số liệu được CPJ sử dụng làm căn cứ để xây dựng
báo cáo, thống kê, không khó để nhận ra CPJ chủ yếu cóp nhặt từ internet, đặc
biệt từ website của các tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam; và các cá nhân
được CPJ chọn trao giải "tự do báo chí quốc tế" đều có "thành
tích" chống phá chính quyền nhiều hơn là thành tích viết báo!
Người Việt
Nam hay người nước ngoài có quan tâm một cách nghiêm túc đến tình hình Việt Nam
trong những năm qua, đều biết những người như Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải, Trần
Huỳnh Duy Thức,... chỉ viết blog (blogger), chưa bao giờ được gọi là nhà báo. Sản
phẩm của họ chỉ đăng trên một số blog, trên một số diễn đàn thù địch, thiếu thiện
chí với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Những gì họ viết ra đã vi phạm
pháp luật, và bị tòa án xét xử. Trong danh sách của CPJ, có hai người từng là
nhà báo là Hoàng Khương, Võ Thanh Tùng, nhưng đáng tiếc, người này đã tự làm mất
uy tín của mình vì có hành vi phạm pháp. Về Hoàng Khương, Võ Thanh Tùng, nếu thật
sự quan tâm, những người ở CPJ chỉ cần tra cứu các thông tin trên internet là
hiểu rõ bản chất vấn đề. Và nếu tra cứu, họ phải thấy xấu hổ khi đọc thư xin lỗi
của Võ Thanh Tùng gửi bạn đọc báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh và Ban Biên tập báo
này, trong đó viết: "Khi bạn đọc biết đến tôi như một nhà báo, phóng viên
đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực thì chính những lúc này, tôi đã phải đối mặt
với hình phạt của pháp luật khi không chiến thắng được những cám dỗ của vật chất.
Chính tôi đã lợi dụng các bài báo trên để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật,
lợi dụng danh nghĩa phóng viên tác động vào các hoạt động đúng đắn của Nhà nước
để trục lợi cá nhân. Việc làm trên của tôi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín
của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh nói riêng và hình ảnh của người làm báo, cũng
như đã làm xấu đi hình ảnh của tôi trong lòng bạn đọc... Tôi đã tự nguyện khai
báo tất cả các nội dung sự việc với mong muốn sửa chữa các sai lầm, khắc phục
các vi phạm. Tôi biết việc vi phạm pháp luật của tôi sẽ bị Nhà nước trừng trị.
Nhưng việc trừng trị để cho tâm hồn tôi được thanh thản nên tôi sẵn sàng chấp
nhận". Tóm lại, những người mà CPJ bảo vệ đều không bị Nhà nước Việt Nam
xét xử vì là nhà báo; họ bị xét xử trong tư cách công dân có hành vi vi phạm
pháp luật. Không phân biệt được điều này thì hành động ủng hộ việc làm của họ về
bản chất là bảo vệ cái xấu, tiếp tay cho cái xấu.
Ðể biện hộ
người được tổ chức này bảo vệ, CPJ đã đưa ra định nghĩa hết sức mơ hồ khi coi
"nhà báo" là "những người đưa tin, bình luận về các sự kiện công
khai trên ấn phẩm báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình hoặc báo điện tử".
Với định nghĩa không xác định rõ nội hàm, không làm nổi bật được đặc trưng và sản
phẩm của nghề báo, CPJ đã tạo điều kiện cho chính CPJ và một số tổ chức, cá
nhân đánh tráo khái niệm để đánh đồng blogger với nhà báo, biến bất kỳ người
nào viết và đưa lên mạng thành nhà báo; từ đó cổ vũ, khuyến khích công dân của
các quốc gia vi phạm pháp luật. Ðặc biệt với định nghĩa như trên, CPJ đã bỏ qua
hoặc không quan tâm tới đạo đức của người làm báo - yếu tố cực kỳ quan trọng đối
với nghề nghiệp có ảnh hưởng, tác động rất lớn tới xã hội. Trong thời đại bùng
nổ công nghệ thông tin, khái niệm báo chí, khái niệm nhà báo cũng thay đổi,
theo hướng mở rộng biên độ, nhưng có một điều bất biến mà công chúng luôn đòi hỏi
ở người làm báo là không chỉ có "tài" mà còn phải có "tâm".
Và những nhà báo được xã hội và công chúng tôn vinh luôn là các cây bút có sự kết
hợp nhuần nhuyễn giữa "tài" và "tâm". Vì thế, các định
nghĩa về nhà báo từ Ðông sang Tây đều khẳng định rõ yêu cầu về hai phẩm chất
này, theo John Hohenberg - nhà báo Hoa Kỳ nổi tiếng, thì một nhà báo chuyên
nghiệp, cần có các điều kiện tối thiểu là: "học hành đầy đủ, được huấn luyện
hợp lý và có tinh thần kỷ luật; thích nghi với những kỹ thuật căn bản của báo
chí; có ý chí thực hiện những công việc đôi khi gây bất mãn và thường không được
đền bù; tuyệt đối tôn trọng sự chính trực cá nhân và nghề nghiệp". Gần gũi
với ý tưởng của Hohenberg, nhưng quan điểm của Tam Lang, một nhà văn, cây bút
phóng sự nổi tiếng của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng chú trọng
tới lương tâm nghề nghiệp của mỗi nhà báo, bởi ông cho rằng: "Ðịnh giá trị
của một người làm báo, nhất là làm nhật báo, người ta không thể chỉ căn cứ vào
học lực của người ấy, mà sự căn cứ vào lương tâm nghề nghiệp mới là điểm tối cần".
Khi CPJ không quan tâm tới đạo đức của người làm báo, phải chăng tổ chức này hướng
tới và cổ vũ cho xu hướng làm báo vô chính phủ, bất chấp luật pháp?
Luật Báo chí
Việt Nam có các quy định, yêu cầu cụ thể tại các điều Ðiều 14, Ðiều 15, trong
đó viết rõ: "Ðiều 14. Nhà báo: Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt
Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức
và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc cộng tác thường
xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo. Ðiều 15. Quyền
và nghĩa vụ của nhà báo: Nhà báo có quyền và nghĩa vụ sau đây: 1. Nhà báo có
quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân
dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí
của công dân; 2. Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ CHXHCN Việt
Nam; 3. Nhà báo chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm báo chí của mình; có quyền
khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với Luật
này; 4. Nhà báo được hưởng một chế độ ưu tiên, ưu đãi cần thiết cho hoạt động
báo chí theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng; Không ai được đe dọa, uy hiếp
tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương
tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật;
Không ai được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để làm việc vi phạm pháp luật".
Từ hai điều dẫn ra trên đây, cần khẳng định, nếu mỗi nhà báo đều hội đủ các
tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, nghiệp vụ, luôn thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ
của mình thì sẽ được công chúng quý trọng, và cũng sẽ luôn nhận được sự trân trọng
của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ðó cũng là điều mà mọi người làm báo ở Việt
Nam luôn cố gắng để ngày càng hữu ích hơn với xã hội và con người. Ðó cũng là bằng
chứng xác thực nhất phản bác sự vu cáo, xuyên tạc của CPJ.
(Theo: HUỲNH
TẤN, nhandan.com.vn)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét