Tham vọng viển vông của Trung Quốc là đối nghịch với lợi ích cơ bản của họ trong khu vực và khó có thể thành sự thật.
Ông Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của quỹ Khoa học và Chính trị thuộc Viện Chính trị và An ninh Quốc tế Đức đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV tại Hội thảo “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng tuần trước.

Học giả Đức Geharrd Will
PV: Theo ông có những cách nào để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông?
Ông Gerhard Will: Theo tôi thì việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông cần một các tiếp cận thông qua đồng thời nhiều giải pháp.
Đầu tiên là việc củng cố luật pháp quốc tế, sau đó các bên cần đạt được thỏa thuận về việc cùng quản lý các nguồn tài nguyên tự nhiên và cuối cùng là việc cần xây dựng một cấu trúc an ninh trên Biển Đông.
PV: Ông có nói đến khía cạnh luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, như ông đã biết, Trung Quốc đã từ chối không tham dự vụ Philippines khởi kiện mình. Trong trường hợp tương tự như vậy thì Việt Nam nên làm gì?
Ông Gerhard Will: Trong vụ kiện của mình, Philippines chỉ yêu cầu phía Trung Quốc giải thích rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Một điều đáng lưu ý là thái độ 2 mặt của phía Trung Quốc trong vấn đề này, một mặt thì họ tỉnh bơ và nói rằng chúng tôi không quan tâm đến vụ kiện nói trên. Mặt khác họ lại tỏ ra rất lo lắng.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin cứ thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi tôi rằng ông có nghe thông tin gì về vụ Philippines kiện chúng tôi hay không bởi tôi đang sống ở Hamburg, trụ sở của Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Chính vì thế việc Trung Quốc nghĩ gì hay hành động thế nào là không quan trọng. Đừng quan tâm đến. Điều quan trọng là Việt Nam cần xem xét và yêu cầu làm rõ các điều khoản của luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã vi phạm.
PV: Nếu Việt Nam muốn làm giống như Philippines thì Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì và làm như thế nào?
Ông Gerhard Will: Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên làm như Philippines và nếu các bạn đọc tài liệu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc nói trên thì các bạn có thể thấy tài liệu này rất dày dặn và có đầy đủ các căn cứ về mặt pháp lý.
Một chuyên gia về luật pháp quốc tế cho biết vụ kiện của Philippines cho thấy nước này đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho vụ kiện này và đã tham vấn rất nhiều các chuyên gia hàng đầu.
Đây cũng là lý do vì sao Trung Quốc lại e ngại đến vậy. Theo tôi, Trung Quốc đã nhận ra rằng, nếu ra Tòa thì họ không có đủ những chứng cứ vững chắc như Philippines.
PV: Ông có nhận định gì về những hành động gần đây của phía Trung Quốc?
Ông Gerhard Will: Tôi nghĩ rằng nếu bạn đọc bản báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) thì bạn có thể thấy rằng, trong báo cáo của họ, họ đã “phân vai” cho các “nhân vật” khác nhau của Trung Quốc như Ngoại trưởng Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hay của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc.
Theo đó, các “diễn viên” sẽ có những vai diễn hoàn toàn đối lập với nhau. Ví dụ như ngay khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam để bàn về việc giảm căng thẳng trên Biển Đông thì CNOOC lại đưa thêm giàn khoan đến khu vực này.
Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của mình. Một mặt họ muốn mở rộng lãnh thổ một cách trái phép khi đưa ra tuyên bố đường 9 đoạn. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại mong muốn tiến hành một “sự trỗi dậy hòa bình” nhằm giành được sự ủng hộ của các nước láng giềng trong khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại và hai điều này thường không đi liền với nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường nói về “giấc mơ Trung Hoa”. Theo tôi, người Trung Quốc chọn từ "giấc mơ" bởi vì thường trong giấc mơ mọi thứ dù trái ngược đến đâu cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, khi “tỉnh giấc”, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng mình cần phải có một quyết định rõ ràng nếu không thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ trở thành ác mộng.
Trung Quốc không thể cùng một lúc muốn trở thành một siêu cường về quân sự và dùng sức mạnh quân sự này để áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, một mặt lại muốn trở thành một nền kinh tế mạnh với các mối quan hệ kinh tế với nhiều nước khác.
Đây chính là mâu thuẫn trong suy nghĩ của Trung Quốc và họ cần phải biết rằng mình cần gì nhất.
Một điều đáng chú ý nữa là Trung Quốc nói rằng họ muốn khai thác dầu trong khu vực mà họ ngang nhiên tuyên bố là của mình nhưng họ không hề tiến hành bất kỳ một hoạt động khai thác thực sự nào.
Thay vì thế, họ dồn tiền để đưa hàng loạt các máy bay, tàu hải quân và nhiều loại tàu khác đến khu vực này để bảo vệ giàn khoan của họ. Số tiền chi cho các hoạt động này thừa đủ để Trung Quốc mua dầu trên khắp thế giới.
Những hành động của Trung Quốc không hề cho thấy sự logic về khía cạnh kinh tế. Chính vì thế, việc Trung Quốc cần làm là phải xác định rõ được lợi ích cụ thể của mình ở Biển Đông và sớm đưa ra quyết định của mình chứ không phải là cứ mơ mộng viển vông.
PV: Ông có nhận xét thế nào về vai trò của ASEAN và các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông?
Ông Gerhard Will: ASEAN rõ ràng đang đóng một vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này và họ đã đạt được một số bước tiến so với trước kia. Nếu so sánh Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 3 năm trước ở Campuchia và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này tại Myanmar thì có thể thấy Hội nghị lần này đã nêu rõ về xung đột trên Biển Đông.
Dù đã đạt được những bước tiến như vậy nhưng theo tôi ASEAN còn lâu mới đạt được việc xây dựng một nền tảng pháp lý cơ bản để đảm bảo an ninh trên Biển Đông./.
(Theo vov.vn)

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận sự phân xử quốc tế liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Trương đã phát biểu như trên tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 3 đang diễn ra ở Bắc Kinh và được báo chí nước này đăng tải ngày 23/6.

Ông Trương hung hồn tuyên bố “Trung Quốc sẽ không chấp nhận hoặc tham gia vào các phiên tòa quốc tế do các bên liên quan ở Biển Đông khởi xướng. Chúng tôi phản đối một số quốc gia xâm phạm lợi ích của nước khác với chiêu bài luật pháp. Chúng tôi hy vọng các quốc gia liên quan nhìn vào lợi ích tổng thể và tương lai để quay lại con đường đối thoại và đàm phán”.

Cũng tại diễn đàn trên, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Tôn Kiến Quốc cảnh báo các nước nhỏ không nên liên kết với các cường quốc để "gây bất ổn khu vực". Hết sức ngạo ngược, tướng Tôn Kiến Quốc nói: “Những nước nhỏ hơn không nên bắt nạt các nước khác nhờ vào sự hậu thuẫn của các cường quốc. Các nước nhỏ không được hủy hoại an ninh khu vực vì lợi ích riêng”. Những bình luận trên được xem là nhằm bảo các quốc gia trong khu vực không hợp tác với Mỹ và các nước khác để giải quyết các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Đài NHK (Nhật Bản) nhận định các bình luận của ông Tôn diễn ra trong bối cảnh chính Trung Quốc đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé” bằng cách hành động hung hăng trên biển.

Trung Quốc đang bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế với cáo buộc xâm phạm lãnh hải nước này. Việt Nam cũng đang cân nhắc khả năng khởi kiện Trung Quốc sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay.

Việc Trung Quốc nhất quyết không chịu ra tòa dù luôn ra rả mình hành động theo luật pháp quốc tế chỉ chứng minh một thực tế đuối lý của họ. “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông ngày càng bị bác bỏ và không được UNCLOS 1982 công nhận.

Giáo sư Andrew T. Guzman, của Đại học California, Berkeley, trong tác phẩm kinh điển của ông - “How International Law Works: A Rational Choice Theory” đã phân tích nguyên nhân khiến các quốc gia thường chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế, đó là thuyết "tránh tổn thất" hay còn được biết đến với tên gọi "thuyết 3R" (Reciprocity-có đi có lại; Retaliation- trả đũa và Reputation-uy tín).

Ý nghĩa cơ bản của thuyết này là nếu một quốc gia không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, quốc gia đó có nguy cơ phải gánh chịu những tổn thất nhất định. Đó có thể là việc bị quốc gia khác vi phạm các cam kết đã có với quốc gia này; bị quốc gia khác trả đũa hoặc không thể đạt được các cam kết đáng tin cậy, cũng như không thể dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ mình trong tương lai. Những yếu tố này làm tăng "chi phí" của hành vi vi phạm và vì thế, sẽ thúc đẩy sự hợp tác và tuân thủ.

Trong trường hợp của Trung Quốc, nếu vận dụng lý thuyết trên, có thể thấy rằng nếu phản đối, không công nhận hoặc kiên quyết không thực thi các phán quyết của tòa án, trọng tài quốc tế thì Trung Quốc sẽ gặp phải những tổn thất không hề nhỏ.

Trong mấy ngày qua, nhiều báo đài Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu, Hồ Nam nhật báo, Tân Hoa xã, Tân Văn xã, Đài Phượng Hoàng… ra sức tuyên truyền về việc một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam phát hành bản đồ dọc chính thức khổ lớn đầu tiên của nước này, khác với thông lệ xưa nay bản đồ Trung Quốc thường có hình ngang. Trong đó, tấm bản đồ ngang nhiên thể hiện cả "đường lưỡi bò" phi lý liếm gần trọn Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Nếu chiểu theo bản đồ này thì chiều rộng của Trung Quốc là 5.200 km, còn chiều dài lên tới 5.500 km vì được cộng thêm phần nằm trong "đường lưỡi bò", một điều hết sức vô lý và ngang ngược. Nguy hiểm hơn là theo truyền thông Trung Quốc, bản đồ này sẽ được phân phối cho các trường tiểu học và trung học nước này. Điều này cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục thông tin sai lệch cho người dân và thế hệ trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn
Hãng tin Reuters ngày 25/6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cho rằng, việc Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ khổ dọc mới là một bước đi sai trái để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Ông Charles Jose nói với các phóng viên: “Hành động của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế. Chính chủ nghĩa bành trướng và tham vọng bá quyền của họ là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông”.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose (Ảnh: thenews)
Trước đó, Tân Hoa xã đưa tin cho biết, tấm bản đồ khổ dọc mới do Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam vẽ, đã được Cục thông tin địa lý đo lường quốc gia Trung Quốc phê chuẩn và chính thức xuất bản phát hành.
Trong tấm bản đồ này, Trung Quốc ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào trong phạm vi cái gọi là “chủ quyền” mà Bắc Kinh yêu sách, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Website của tờ Nhân dân nhật báo cho biết: “Các đảo ở Biển Đông trên bản đồ truyền thống của Trung Quốc được thể hiện trong phụ lục, do đó người xem không thể có thông tin đầy đủ và trực tiếp về toàn bộ bản đồ Trung Quốc”.
Trung Quốc trắng trợn giải thích rằng: “Bản đồ cũ làm cho các hòn đảo của Trung Quốc ở Biển Đông xuất hiện như một phần phụ chứ không phải là phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước và đó là lý do tại sao cần phải xuất bản một tấm bản đồ mới”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Doanh ngụy biện: “Mục đích phát hành bản đồ mới là để phục vụ công chúng Trung Quốc… Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là phù hợp và rõ ràng. Lập trường của chúng tôi không hề thay đổi”.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/6, Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Philippines đang tạo ra căng thẳng trong khu vực và thúc giục Manila cần thể hiện “sự chân thành” trong việc giữ gìn hòa bình ổn định sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino mới đây đã bày tỏ sự hoan nghênh với chính sách quân sự quyết đoán hơn của Nhật Bản.
Ông Aquino phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo: “Chúng tôi tin rằng, các quốc gia có thiện chí chỉ có thể hưởng lợi nếu chính phủ Nhật Bản được trao quyền để trợ giúp các nước khác và được phép viện trợ cho các nước trong trường hợp cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực tự vệ tập thể”. 
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc lại cho rằng, tuyên bố này của ông Aquino chỉ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các quốc gia có liên quan nên nghiêm túc thể hiện sự chân thành cùng với Trung Quốc xây dựng hòa bình ổn định chứ không phải tạo ra căng thẳng và thêm sự cạnh tranh mới – yếu tố gây phức tạp tình hình”.
Dù Trung Quốc tiếp tục đưa ra những tuyên bố như cố để thể hiện trách nhiệm nhưng nhiều học giả và các nhà nghiên cứu lại cho rằng, chính Trung Quốc mới là nhân tố gây bất ổn trong khu vực. Thời gian gần đây, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong Vùng thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa đã thổi bùng lên căng thẳng ở Biển Đông./.
(Theo VOV.vn)
Cuộc diễn tập sẽ kéo dài trong một tuần và sẽ được tổ chức ở khoảng cách khoảng 80km cách 2 hoặc 3 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang chốt giữ bất hợp pháp bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Mỹ và Philippines sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự mang tên Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) 2014, cuộc diễn tập diễn ra từ ngày 26/6 đến 1/7, gần bãi cạn Scarborough ở vùng biển Tây Philippines (Biển Đông).

Theo Reuters cho biết thì sẽ có khoảng 1.000 binh lính Mỹ và Philippines tham gia vào cuộc diễn tập bắn đạn thật này trên bờ biển phía tây của đảo Luzon, Philippines.

Phía hải quân Hoa Kỳ sẽ điều một tàu khu trục tên lửa, máy bay trực thăng Sikorsky SH-60 Seahawk, hai tàu đệm không khí, một đơn vị người nhái, một đơn vị công binh chiến đấu (Seabees), một đơn vị về bom mìn, và các phương tiện tấn công đổ bộ có kích thước khác nhau.

Philippines sẽ phái tàu chiến BRP Ramon Alcaraz (PF-16) – một tàu cũ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, và tàu BRP Emilio Jacinto (PS-35) – một tàu cũ của Hải quân Hoàng gia Anh, một máy bay Britten-Norman Islander, hai máy bay trực thăng AgustaWestland AW-109E của Hà Lan, một đơn vị lực lượng đặc biệt hải quân, một đơn vị bom mìn, hai đội thuyền đặc biệt, ba đơn vị người nhái, một nhóm các đơn vị truyền thông, hai công ty hàng hải cùng ban nhạc, các đơn vị hậu cần và đơn vị công binh chiến đấu (Seabees).

Hơn nữa, lực lượng hải quân hải nước sẽ tiến hành một cuộc tập trận pháo binh trong khu vực xung quanh vùng biển Luzon vào ngày 29 tháng Sáu.

Tháng trước, Mỹ đã hủy bỏ cuộc diễn tập CARAT 2014 với Thái Lan, để phản đối cuộc đảo chính quân sự không đổ máu tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cuộc tập trận chung sắp tới giữa Mỹ và Philippines được tổ chức nhằm giúp củng cố năng lực của cả hai bên trong các chiến dịch đổ bộ, các chiến dịch đặc biệt và chiến tranh trên mặt nước cũng như tăng cường chia sẻ thông tin, phát ngôn viên Lực lượng Hải quân Rommel Rodriguez cho biết.
(Theo infornet.vn)
TP - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan nói rằng, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nhằm kiểm soát khai thác dầu mỏ, quản lý giao thương hàng hải, tàu thuyền qua khu vực và chiếm ưu thế địa chính trị.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Bùi Văn Khoa ngày 23/6 gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan Timo Juhani Soini, thông báo tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Ông Soini đánh giá hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc không đơn giản bộc phát, mà nằm trong tính toán, lộ trình chiến lược lâu dài, tương tự một số sự việc tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Nhật Bản… Ông chia sẻ những khó khăn của một quốc gia có láng giềng là một nước lớn.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan cho rằng, mục tiêu đằng sau của Trung Quốc là kiểm soát khai thác dầu mỏ, quản lý giao thương hàng hải, tàu thuyền qua khu vực và chiếm ưu thế địa chính trị. Ông Soini bày tỏ mong các bên kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang, tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Ông Soini hứa nghiên cứu các tài liệu để hiểu rõ hơn về tình hình biển Đông.
Đại sứ Bùi Văn Khoa đã trao thư của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng liên quan việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. 
Đại sứ nhấn mạnh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan và một lực lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự, vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bất hợp pháp, trắng trợn vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, gây mất ổn định an ninh ở khu vực và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. 
Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc đã cho tàu truy đuổi, chèn ép và đâm chìm tàu thuyền của lực lượng thực thi pháp luật, ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa tính mạng con người. 
Đại sứ Bùi Văn Khoa khẳng định, Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; đã kiên định, chủ động đối thoại với phía Trung Quốc. 
Với quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan, Việt Nam đề nghị Phần Lan cùng các nước bạn bè và dư luận quốc tế lên án hành động bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan đã ghi nhận đề nghị của Việt Nam.

Luật pháp quốc tế là nền tảng giải quyết tranh chấp
Báo Philstar của Philippines hôm qua đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa phát biểu tại một diễn đàn ở Mỹ thể hiện ủng hộ trước những phát biểu kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp và tinh thần thượng tôn pháp luật nhằm bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. 
Thủ tướng Singapore khẳng định, luật pháp quốc tế phải là nền tảng cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông liên quan các quốc gia thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. 
Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ quốc tế, cơ quan tư vấn chính sách ngoại giao của Mỹ, ông Lý Hiển Long nói rằng, các quốc gia liên quan phải lựa chọn con đường hòa bình thay vì sử dụng cách tiếp cận “kẻ mạnh là kẻ đúng”. 
Trong một nghiên cứu cho Bộ Ngoại giao Mỹ, phái viên John Finkbeiner viết: “Malaysia dường như đang theo đuổi cách tiếp cận phi xung đột trong tranh chấp chủ quyền”. 
Theo báo cáo ông Finkbeiner gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, Malaysia chưa có phản đối mạnh mẽ trước các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông cũng như không tăng cường năng lực quốc phòng để ngăn ngừa các xung đột trong tương lai. 
Ông Finkbeiner viết rằng, chi phí quốc phòng của Malaysia trong năm 2009 và 2010 giảm rồi tăng nhẹ vào năm 2011, nhưng ở mức không đáng kể. 
Trong khi đó, Philippines đầu tư mạnh để nâng cao năng lực quân sự, tuần tra biển trước mối đe dọa Trung Quốc thống trị tuyến hàng hải chiến lược. 
“Malaysia có thể sẽ phải xác định lại chính sách của họ trên biển Đông. Có lẽ sớm hay muộn Malaysia cũng phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh”, Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey.
(Theo www.tienphong.vn)
Giàn khoan mới mà TQ đưa vào Biển Đông không thể là chuyện tình cờ xảy ra. Đó là một phần của kế hoạch - GS. Carl Thayer nhận định.
GS. Carl Thayer, nguyên GS Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, trả lời VietNamNet bên lề hội thảo "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" tổ chức cuối tuần trước ở Đà Nẵng.
- Với những diễn biến gần đây liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 và quan hệ giữa hai nước VN - TQ như chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì đến Việt Nam và TQ triển khai thêm một số giàn khoan vào Biển Đông, ông có thấy những dấu hiệu gì cho thấy TQ đang toan tính những bước đi sắp tới mà có thể gây bất ngờ hoặc không lường trước được?
Cách hành xử trong quá khứ của TQ, nhất là với Philippines cho thấy, khi một quốc gia đứng lên phản đối về vấn đề chủ quyền, TQ càng trở nên giận dữ hơn. Họ sẽ có những biện pháp khôn khéo để tạo thêm áp lực.
Chuyến thăm của ông Dương, với việc phát ngôn rằng "Việt Nam nên ngừng thổi phồng" vấn đề Biển Đông, chính là một động thái gây áp lực. Giờ đây là sự hiện diện của ít nhất một giàn khoan khác trong vịnh Bắc Bộ gần biên giới.
Việt Nam chỉ có một số lượng ít ỏi tàu cảnh sát biển và kiểm ngư, đây thực sự là một bài toán về nguồn lực đối với Việt Nam. Nhưng TQ cũng chỉ có thể làm như vậy trong một thời gian nhất định, vì sau tháng 8 là đến mùa bão. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao khi đặt giàn khoan Hải Dương 981, họ nói sẽ chỉ đến 15/8 vì họ không thể duy trì hàng trăm tàu ở đó trong mùa bão được. Đó cũng là một cách khôn ngoan khi không để khả năng mở, kiểu cách của TQ là thu hút sự chú ý rồi sau đó lắng dần xuống.
Carl Thayer, giàn khoan, TQ, cảnh sát biển, kiểm ngư
GS. Carl Thayer: VN càng phản đối thì TQ sẽ càng gia tăng áp lực
Giàn khoan mới không thể là một chuyện tình cờ xảy ra. Đó là một phần của kế hoạch, bằng cách đưa thêm giàn khoan, TQ biến tình hình ngày càng trở thành việc giữa TQ và VN, chứ không phải các nước ASEAN. Vịnh Bắc Bộ chỉ là một khu vực nhỏ hẹp và hai bên chỉ mới bắt đầu đàm phán về việc làm gì ở ngoài khu vực đó, vì thế rất đáng lo ngại. Cách tiếp cận này của TQ là rất cứng rắn. Và vào lúc này, VN càng phản đối thì TQ sẽ càng gia tăng áp lực.
Điều đó rất đáng lo ngại, và là một sự khiêu khích mới. Họ đang dùng những thứ được thiết kế để khai thác dầu mỏ vào mục đích chính trị. Nếu tôi là chủ công ty TQ, tôi sẽ rất lo lắng về việc mất lợi nhuận. Giàn khoan là để ra chỗ nào có dầu mỏ mà khoan chứ không phải là để vào vịnh Bắc Bộ chơi trò chính trị.
- Nếu TQ cứ tiếp tục tăng thêm giàn khoan, quan hệ giữa hai nước sẽ thay đổi như thế nào?
Năm ngoái tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm "lòng tin chiến lược". Có thể nói hành động của TQ đang làm xói mòn lòng tin chiến lược. Nhớ lại chuyến thăm của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tháng 10 năm ngoái, ông ta nói về đột phá mới trong quan hệ hai nước, rằng hai Đảng sẽ không làm gì để khiến bên kia giận dữ. Giàn khoan Hải Dương 981 là một hành động hoàn toàn trái ngược. Hết lần này đến lần khác họ cam kết hợp tác với VN ngay trong những đối thoại giữa hai chính phủ, thế rồi đùng một cái, không thông báo, không trao đổi trước, họ hành động một cách đơn phương.
Thế thì làm sao có thể tiếp tục giữ lòng tin chiến lược, thứ mà phải qua một thời gian dài mới xây dựng được, từ khi bình thường hóa quan hệ, thỏa thuận về biên giới trên bộ, phân chia vịnh Bắc Bộ, trở thành đối tác chiến lược rồi đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng mạnh mẽ, rồi các lãnh đạo khác cũng lần lượt lên tiếng. Nhưng TQ luôn vậy, như chính trong trường hợp của Australia khi nói về vùng nhận diện phòng không, họ từ chối đối thoại, thế rồi đến vụ máy bay Malaysia, họ lại tìm đến chúng tôi. VN cũng nên chuẩn bị, họ sẽ không nói năng gì cả, cố làm cho VN im miệng, sử dụng chủ nghĩa nước lớn.
TQ muốn trỗi dậy hòa bình, muốn có những mối quan hệ mới, nhưng lại hành xử rất tệ và vênh váo. Nhân dân Nhật báo từng đặt tôi viết bài nhưng chắc là họ sẽ không đăng, vì tôi kiến nghị TQ nên nhớ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Tôi cũng nhắc họ rằng TQ không phải là quốc gia duy nhất từng bị thực dân đô hộ. VN cũng đã đấu tranh chống lại ách thực dân. TQ có biên giới, VN cũng có biên giới, hãy làm việc trên cơ sở đó. Philippines cũng từng bị đô hộ. Đâu phải chỉ có TQ từng đau khổ. VN đã phải đấu tranh giành độc lập, họ biết thế nào là hy sinh, TQ không phải dạy VN điều đó.
- Chính phủ VN kiên định các biện pháp ngoại giao từ khi giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt. Nhưng TQ vẫn lấn tới theo kiểu nước lớn. VN nên làm thế nào?
Muốn chơi cờ với TQ, đừng chơi theo cách họ muốn.
VN đang có sự cảm thông và ủng hộ của quốc tế, VN hãy tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh khiêu khích, và bình tĩnh.
VN đã làm rất tốt việc đưa phóng viên quốc tế ra đó ghi hình, thông tin đến toàn thế giới. Người dân Bắc Mỹ, châu Âu, và cả Australia, mỗi ngày mở tivi đều thấy những bản tin từ các phóng viên của chính họ về cách hành xử của TQ. Tôi không nghĩ TQ thích nghe dư luận thế giới nói về họ đâu.
Carl Thayer, giàn khoan, TQ, cảnh sát biển, kiểm ngư
GS. Carl Thayer: Các lãnh đạo cấp cao cần học tập quá khứ 
Đây không phải là việc có thể giải quyết ngay lập tức mà cần nhiều thời gian, nhưng ai có thể dạy VN về trường kỳ đấu tranh nào? VN phải làm thế thôi vì TQ mạnh hơn nhiều. Đây là trò chơi mà TQ muốn. Họ đang có nhiều vấn đề rắc rối khác. Lúc này có thể thấy họ đang giảm áp lực lên Nhật Bản, có lẽ vì họ không thể căng ra trên hai mặt trận. Vì thế VN càng cần phải bình tĩnh, có sự đoàn kết trong nước về việc bảo vệ chủ quyền, giữ vững lập trường. Không để TQ nói là việc này là của một người, người đó phải giải quyết.
Cuối cùng, tôi nghĩ các lãnh đạo cấp cao cần học tập quá khứ. Các lãnh đạo cấp cao ngày xưa nói: Đến hạn này, xong vấn đề biên giới; Đến hạn này, xong việc vịnh Bắc Bộ. Còn hiện nay đang là một cuộc mặc cả, đến 15/8 TQ sẽ rút giàn khoan về vì sau đó là mùa bão, chẳng tàu thuyền nào ở trên biển được, dễ hiểu là lợi ích kinh tế cũng rất quan trọng, thế là cả hai bên giữ được thể diện.
- Xung đột xảy ra nhưng cho đến nay lãnh đạo hai bên đều loại trừ khả năng quân sự. Nhưng với việc TQ cứ gia tăng áp lực với VN, ông nhận định thế nào về sự kiềm chế này?
TQ đang khiêu khích VN, và nếu VN giận dữ và phản ứng, TQ sẽ la lên với cả thế giới rằng VN hiếu chiến, đáng bị đáp trả. Việc này rất khó, như thi đấu bóng đá vậy. Phải giữ bình tĩnh, chiến thắng trận đấu mới là quan trọng. Đừng đánh đối thủ vì anh ta xúc phạm mình, bạn sẽ nhận thẻ đỏ rời sân. Trong quá khứ, VN đã làm được việc trường kỳ đấu tranh, giờ hãy làm vậy với TQ, đừng để TQ khiêu khích.
Trong tiếng Việt có hai khác niệm "đối tác" và "đối tượng". Đây là lúc xem xét kỹ hai khái niệm đó.
- Cho đến nay, hành động pháp lý vẫn là biện pháp được các chuyên gia phi chính phủ ủng hộ nhiều nhất. Vậy theo ông, đâu là thời điểm thích hợp để VN kiện TQ ra tòa?
Thời điểm nào là do các lãnh đạo VN cân nhắc, khi quan hệ trở nên xấu đi và không thể khôi phục được.
Theo tôi cách tốt nhất là ủng hộ Philippines trong vụ kiện của họ, vì một vụ kiện riêng lúc này là rất khó. Nếu phán quyết vụ kiện của Philippines là đường 9 đoạn vô giá trị và TQ vẫn không tuân thủ phán quyết này của tòa án quốc tế thì họ sẽ bị cộng đồng hàng hải trên toàn thế giới lên án, việc này sẽ có lợi cho VN.
(Theo Vietnamnet)
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và TBD Daniel Russel cho rằng, những hành động áp chế của TQ nhằm thực thi yêu sách chủ quyền ở vùng biển tranh chấp làm tổn hại uy tín quốc tế của chính họ.
Tuyên bố được ông Daniel Russel đưa ra tại phiên điều trần trước quốc hội, hai tuần trước những cuộc gặp cấp cao tại Bắc Kinh.
Đầu tháng 7, Mỹ và TQ sẽ đối thoại về chiến lược và kinh tế cấp cao. Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, tại Bắc Kinh, Washington sẽ tìm cách xây dựng “lòng tin chiến lược” với TQ và cả hợp tác kinh tế, cũng như thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề khác.
TQ, Mỹ, chủ quyền, Biển Đông, Daniel Russel, giàn khoan
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel. Ảnh: AP
Trước các nghị sĩ Mỹ, ông Russel đã chỉ trích những hành động gần đây của TQ tại Biển Đông và Hoa Đông - những hành động mà ông cho là đã khiến các nước láng giềng “quan ngại và cảnh giác”. 

TQ đầu tháng 5 đã đơn phương triển khai giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế VN cũng như tiếp tục đẩy mạnh tranh chấp với hai đồng minh của Mỹ là Nhật và Philippines tại hai vùng biển nói trên. Nhiều nhà phân tích lo ngại một vụ đụng độ quân sự có thể ảnh hưởng lớn đến những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trong khu vực.

“Những hành động đơn phương của TQ ở những khu vực nhạy cảm và tranh chấp làm gia tăng căng thẳng và tổn hại đến vị thế quốc tế của TQ”, ông Russel nói trong tài liệu chuẩn bị đệ trình Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

“TQ, trong vai trò một nước lớn và đang trỗi dậy, cần tự kiềm chế trong hành động. Việc cố tình coi nhẹ ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác trong giải quyết các bất đồng và tranh chấp, trong khi đó lại sử dụng biện pháp áp chế  về kinh tế và thực địa là hành động gây bất ổn và nguy hiểm”, ông nhấn mạnh.

TQ luôn đòi hỏi Mỹ đứng ngoài tranh chấp trên biển trong khi Washington dù không phải là nước tuyên bố chủ quyền nhưng khẳng định có lợi ích quốc gia trong duy trì tự do hàng hải và thương mại không cản trở tại Biển Đông.

Quan hệ Mỹ, TQ còn trở nên căng thẳng vì vấn đề gián điệp mạng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel cho hay, Mỹ sẽ đề cập tới hành vi trộm cắp bí mật thương mại cũng như sở hữu trí tuệ tại Đối thoại chiến lược và kinh tế song phương tháng tới. Sự kiện này có sự tham dự của Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.

(Theo Vietnamnet)
Đối chiếu trên bản đồ thì vị trí giàn khoan Nam Hải 9 mà Cục Hải sự TQ thông báo thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, là nơi VN và TQ đang đàm phán phân định ranh giới biển, nhưng chưa đạt thỏa thuận.

Trong số 4 giàn khoan được TQ lên lịch "ra Biển Đông" sau giàn khoan 981, 3 chiếc dự kiến sẽ vào các vị trí vào 12/8 tới. Còn lại 1 giàn khoan là Nam Hải 9 đã được TQ triển khai ra Biển Đông đầu tuần này.

giàn khoan, Nam Hải 9, TQ, vịnh Bắc Bộ, luật biển, Biển Đông
  Bản đồ vị trí giàn khoan Nam Hải số 9 dự định kéo đến ngày 20/7
Quan sát chặt chẽ diễn biến di chuyển của giàn khoan Nam Hải 9 đang được TQ triển khai, TS Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông cho hay vấn đề là phải xác định vị trí mà giàn khoan Nam Hải 9 được dự định kéo đến thuộc vùng biển nào và hoạt động thực tiễn ra sao

Trao đổi với VietNamNet, ông nói, theo luật biển quốc tế, việc kéo giàn khoan di chuyển mà không định vị cũng như không tiến hành khoan đào ở đáy biển thuộc nội dung tự do hàng hải. Các quốc gia có quyền tự do hàng hải ở trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và vùng biển quốc tế.

Theo chuyên gia Biển Đông, đối chiếu trên bản đồ thì vị trí mà Cục Hải sự TQ thông báo thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, là nơi VN và TQ đang đàm phán phân định ranh giới biển, nhưng chưa đạt thỏa thuận.

Theo thông lệ quốc tế, ở những khu vực như vậy, các bên hữu quan sẽ không có các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên vượt quá đường trung tuyến giả định giữa hai đường cơ sở đối diện nhau ở vùng biển chưa phân định.

“Do đó, vấn đề rất quan trọng là chúng ta cần theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Nam Hải 9 và có hành động phù hợp khi các quyền lợi hợp pháp của ta bị xâm phạm” - TS Thủy nói.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, kể từ sau khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, các động thái của TQ ở Biển Đông nói chung và hoạt động của các giàn khoan của TQ nói riêng đã khiến dư luận quốc tế quan tâm và lo ngại sâu sắc.

Trong khi đó, Reuters hôm nay đưa tin, các tọa độ đăng trên trang web của Cục Hải sự TQ cho thấy, giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 sẽ được triển khai ở vị trí nằm giữa nam TQ và quần đảo Đông Sa (do Đài Loan kiểm soát). Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ được kéo sát về phía bờ biển TQ.

Cục Hải sự TQ không nói rõ cơ quan sở hữu các giàn khoan này, chỉ biết cả 3 giàn khoan sẽ vào vị trí vào ngày 12/8.

Tờ Thời báo Hoàn cầu TQ trích lời Zhuang Guotu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ĐNA tại Đại học Hạ Môn gọi việc triển khai giàn khoan là một “động thái chiến lược”.

Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí quốc gia TQ (CNOOC) cho hay, họ có 4 dự án mới dự kiến triển khai ở khu vực tây và đông Biển Đông trong nửa cuối năm nay. Không rõ 4 giàn khoan nói trên có thuộc các dự án của họ hay không. Một người phát ngôn tập đoàn này từ chối đưa ra bình luận.

Tuy nhiên, CNOOC luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy sản lượng dầu khi ở vùng nước sâu. CNOOC tuyên bố sẽ gia tăng 1/3 vốn đầu tư cho năm nay lên gần 20 tỉ USD.

(Theo Vietnamnet)
Vị cựu lãnh đạo hải quân Mỹ nhận định TQ trong lòng lo sợ xảy ra xung đột lớn và sẽ không dễ gì khuất phục các nước nhỏ hơn.

Philippines cần phải đứng lên đối đầu với các thách thức do TQ đặt ra trong cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông thay vì chỉ phản ứng lại một cách thụ động các hành vi của TQ - Dennis Blair, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ kiêm cựu Giám đốc Tình báo uốc gia, cho rằng cả Philippines, Nhật Bản và Việt Nam “không thể cứ ngồi đó” và nhìn TQ xâm lấn chủ quyền của mình.
Mỹ, Philippines, TQ, hải quân, chủ quyền, Hoa Đông, Biển Đông, ADIZ
Cựu đô đốc Mỹ Dennis Blair
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Nhật Asahi Shimbun, ông Blair nói: “Dĩ nhiên bạn cần nghĩ kỹ, nhưng nếu người TQ muốn chơi trò “nay đâm bị thóc, mai chọc bị gạo” thì bạn phải đáp trả và nói “trò chơi đã bắt đầu””.

Vị chuyên gia hàng đầu về châu Á khuyên: “Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cần phải chủ động và mạnh mẽ ngang nhau trong chuyện này”.

Ông Blair tuyên bố TQ sẽ tiếp tục khẳng định các yêu sách của mình một cách mạnh mẽ thông qua các tuyên bố đơn phương, nhưng sẽ không bước qua “giới hạn phía trên” của việc leo thang căng thẳng để tạo nên một xung đột lớn.

“Về phía TQ, tôi nghĩ rằng có một cái trần kiểu như thế bởi vì TQ hiểu rằng nếu một xung đột lớn xảy ra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thì tác động lên sự phát triển kinh tế của TQ sẽ là khủng khiếp”, cựu đô đốc Blair nói.

Cựu quan chức hải quân Mỹ nói tiếp: “Bên dưới giới hạn đó, người TQ đang ngồi nghĩ thế này: “Giờ mình làm gì tiếp đây? Xem nào, ta có thể lập thêm vùng ADIZ (vùng nhận dạng phòng không), ta có thể tuyên bố về một khu vực đánh bắt cá mới v.v...”.

Blair gợi ý, các nước láng giềng nên tận dụng cái giới hạn do Trung Quốc tự đặt ra cho bản thân thậm chí cả khi nước này đang ngày càng mạnh và cho rằng mình muốn làm gì thì làm.

Vị cựu đô đốc thừa nhận sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh đã khiến ông “lo lắng” trong nhiều năm khi ông biết rằng nước này cứ cho mình quyền được ép các nước khác phải nhượng bộ trong cuộc tranh chấp biển đảo hàng thập kỷ qua.

Ông Blair so sánh: TQ nhìn lại những năm tháng còn là một quốc gia yếu ớt và nhớ lại hồi bị Nhật Bản xâm lược vào năm 1931. Giờ đã trở thành một trung tâm sức mạnh ở châu Á, TQ lại bắt đầu lợi dụng sức mạnh của mình theo hướng có lợi cho bản thân.

Nhưng ông Blair tin rằng các đối thủ của TQ “không thể dễ dàng nhượng bộ cho một nước khác chỉ vì nước đó đang gia tăng sức mạnh”. Blair nói, “chúng ta phải vạch ra cách thức chống lại các hành vi đó”.

Philippines đã thực thi cách tiếp cận dựa trên luật lệ trong việc xử lý căng thẳng và tranh chấp leo thang. Nước này đã từ bỏ các cuộc thương thuyết trực tiếp với TQ để quay sang nộp đơn kiện TQ trước tòa quốc tế.
Theo VOV
Bị nhóm tàu Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 vây ép, tấn công, tàu kiểm ngư Việt Nam 951 cơ động vòng tránh nhưng vẫn bị đâm nát hai bên mạn.
Đêm 28/6, tàu kiểm ngư 951 về Đà Nẵng để sửa chữa những hư hại do phía tàu Trung Quốc đơn phương đâm sáng 23/6. Con tàu chằng chịt vết thương vẫn trụ lại ở lại Hoàng Sa làm nhiệm vụ, tuy nhiên do nhiều thiết bị hư hỏng, thân tàu vỡ nát nên nhận lệnh về bờ.
 
Phía chính giữa mạn trái tàu còn nguyên những vết đâm va, gãy nát vỏ. Theo lời kiểm ngư viên Nguyễn Viết Chinh, đây là vết tích do tàu Tân Hải 285 to gấp 3-4 lần tàu 951, đâm vuông góc.
 
Lúc này, tàu kiểm ngư 951 đang bị tàu Hữu Liên 9 của Trung Quốc ghì chặt mạn phải và tàu Hải tuần 11 đuổi sát phía sau tấn công bằng vòi rồng nên không thể tránh cú đâm mạnh của tàu Tân Hải.
 
Ngay phía trên vạch mớn nước của tàu 951 bị đâm rách, nước tràn vào khoang. Các kiểm ngư viên phải dùng mọi vật dụng như quần áo, xốp chèn vào những lỗ thủng và tát nước cứu tàu khỏi chìm. "Con tàu bị kẹp chặt thế gọng kìm, và bị nghiêng hẳn một bên khi tàu Tân Hải 285 đâm vào mạn trái. Cú đâm quá mạnh đã làm hai kiểm ngư viên bị thương", anh Chinh kể.
 
Ám ảnh với các thuyền viên nhất chính là con tàu bị đâm ngang vào khu vực đang chứa 8 bình khí CO2, dung tích 70 lít mỗi bình. Đây cũng là vết rách lớn nhất bên mạn trái với chiều rộng 25 cm, dài gần một mét. "Chỉ cần tàu Trung Quốc đâm sâu một chút nữa là con tàu có nguy cơ bị nổ tung", thuyền viên Đỗ Thành Lâm cho biết thêm.
 
Bên trong buồng khí CO2 và phòng quân y tan hoang, vỡ nát. Tàu bị hỏng, nhiều thuyền viên phải sơ tán nhưng vẫn kiên cường bám biển thêm gần một tuần mới về bờ.
 
Các công nhân sửa chữa tàu của Nhà máy đóng tàu X50 gò từng phần thân hư hỏng bên mạn trái, đưa lên bờ để "nắn" lại toàn bộ con tàu.
 
Nhiều đoạn lan can ống dẫn khí, mái che bị hư hỏng...
 
 Các cửa thông gió bằng sắt bị xé toạc.
 
Vết đâm bên mạn phải khiến một dải thành tàu bị đứt lìa, móp méo, cầu thang phía ngoài dẫn lên cabin bị cong vẹo.
 
Các công nhân đóng tàu đang khẩn trương cắt những bộ phận hư hỏng, dùng cẩu đưa lên bờ để tiếp tục sửa chữa. Thời gian hoàn thành sửa chữa dự kiến kéo dài một tuần. 
 
Thời gian qua, nhiều tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm khi làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu này được cấp tập sửa chữa ngay khi về bờ để trở lại Hoàng Sa

(Theo Vnxpress)
Flag Counter

Sự Thật và Dối Trá

Sự Thật và Dối Trá

XEM NHIỀU

bunhinrom007@gmail.com. Được tạo bởi Blogger.

Lượt Xem