Nhỏ không có nhất thiết là yếu và lớn không đồng nghĩa với mạnh. VN có thể có sức mạnh và ảnh hưởng nếu biết cách sử dụng sức mạnh mềm – TS Nguyễn Hùng Sơn.
LTS: VietNamNet trân trọng giới thiệu phần cuối của Bàn tròn trực tuyến TQ trỗi dậy và lựa chọn nào cho VN?
Làm sao buộc TQ tuân thủ cam kết?
Nhà báo Việt Lâm: Đại sứ Bindenagel đã nhấn mạnh rằng phải đảm bảo luật lệ số một ở Biển Đông là không thay đổi các đường biên bằng vũ lực. Nguyên tắc này đã được quy định trong luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về Luật Biển, hay trong Tuyên bố chung DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Nhưng thực tế cho thấy, dù TQ là một bên tham gia cam kết, họ vẫn sẵn sàng phớt lờ, thậm chí vi phạm chúng. Theo các khách mời, có cách nào để giải quyết thách thức có lẽ là lớn nhất hiện nay, đó là làm sao để buộc TQ tuân thủ luật chơi chung?
TS Nguyễn Hùng Sơn: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi gai góc. Bởi vì đối với TQ, rất khó để buộc họ tuân thủ một điều gì đó trừ phi chính họ nhận thấy lợi ích của họ sẽ được đảm bảo tốt nhất nếu họ tôn trọng các cam kết này.
Từ trái qua phải, TS Nguyễn Hùng Sơn, Viện phó Viện Biển Đông, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức JD Binnadel và nhà báo Việt Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Chẳng hạn như phải làm sao để thuyết phục TQ rằng tuân thủ UNCLOS có lợi cho chính họ. Chúng ta có thể nói với TQ rằng sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nước này dựa trên sự bùng nổ của thương mại toàn cầu và điều này sẽ không thể xảy ra nếu các đại dương rơi vào hỗn loạn, nếu luật biển không được các quốc gia tôn trọng và nếu như không có tự do lưu thông hàng hải. Do vậy, Trung Quốc phải nhận thức được rằng chính lợi ích quốc gia lâu dài của họ đòi hỏi họ phải bảo đảm tự do hàng hải và trật tự trên biển cũng như duy trì nguyên trạng trật tự dựa trên luật lệ hiện nay.
Tôi tin rằng TQ không tư duy chỉ với một bộ óc. Còn có những người dân TQ, những người thực sự hiểu Luật Biển, những người thực sự hiểu và nhận thấy lợi ích quốc gia của TQ trong việc hội nhập đầy đủ với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, có những nhóm lợi ích khác ở TQ, chẳng hạn như nhóm diều hâu, họ theo đuổi những lợi ích ích kỷ của nhóm mình thay vì lợi ích quốc gia. Họ đang tạo ra trò chơi ngắn hạn của nhóm mình dựa trên tổn thất của đất nước về lợi ích và hình ảnh. Chúng ta cần chỉ cho người TQ thấy điều đó. Và một khi TQ nhận ra được điều đó, tôi tin là họ có thể hành xử khác đi.
Đại sứ Bindenagel: Tôi cho rằng dẫn chứng mà TS Sơn vừa nêu ra rất hữu ích. Sau cùng thì ngoại giao vẫn còn cơ hội. Sứ mệnh của ngoại giao là nhận diện những lợi ích đó và sắp xếp sao cho có kết quả đúng.
Hãy xem sự thịnh vượng kinh tế của TQ kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Rõ ràng, chính việc gia nhập WTO đã góp phần quan trọng tạo nên kì tích này. Thế nhưng dù TQ đã tham gia WTO song tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn thường xuyên diễn ra. Đến một lúc nào đó, sở hữu trí tuệ ở TQ sẽ phát triển đến mức mà Chính phủ TQ buộc người dân phải tuân thủ cam kết. Đây chính là những động lực mà tôi nghĩ chúng ta cần phải tạo ra khi ứng phó với TQ.
Do đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Khi TPP được thông qua, nó sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn với hơn 800 triệu người tiêu dùng. Và chúng ta phải chỉ ra cho họ thấy lợi ích của họ, chỉ ra sự liên quan đến những vấn đề khác, chẳng hạn chỉ ra họ có các quan hệ kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và WTO và những lợi ích đó đang bị thách thức bởi những gì xảy ra ở Biển Đông, tuyến đường biển của 60-80% thương mại toàn cầu. Làm thế nào chúng ta có thể liên hệ những lợi ích của họ đến nhu cầu giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hoà bình.
Vậy chúng ta có thể làm được điều đó thông qua con đường ngoại giao như thế nào? Làm sao định hình một cấu trúc khả thi cho phép xoay chuyển các lợi ích hướng đến một kết quả đúng đắn?
Đây cũng là chủ đề mà Diễn đàn Toàn cầu Boston đang tập trung bàn thảo hiện nay. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi sự minh bạch và phải dứt khoát bác bỏ những yếu tố mang hơi hướm ý thức hệ hay dân tộc chủ nghĩa.
Nếu chúng ta có thể gắn kết lợi ích với các nguyên tắc, chúng ta sẽ gây dựng được nền tảng cho một cấu trúc khả thi để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Sau mỗi bài học, ASEAN trưởng thành hơn
Nhà báo Việt Lâm: Thế thì diễn đàn nào sẽ là nơi thích hợp để bàn thảo những vấn đề này đây? Theo các ông, ASEAN và các cơ chế của nó có còn thích hợp để thảo luận ứng xử với TQ khi mà những sự kiện vừa qua ở Biển Đông cho thấy ASEAN đã không thể hiện được sự đoàn kết và quyết tâm mạnh mẽ khi đối diện với TQ. Đây cũng là nội dung câu hỏi của bạn đọc Linh Xuân.
Đại sứ Bindenagel: Tôi cho rằng cấu trúc của ASEAN chưa đủ trưởng thành. Nhưng mặt khác tôi cũng sẽ không bác bỏ cấu trúc đó. Tôi sẽ nói rằng bạn cần phải quay về với ASEAN và thúc đẩy các cuộc thảo luận cùng nhau. Còn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lại là một cơ cấu khác, vì đây là một nhóm lớn hơn. Ngoài ra, chúng ta có thể giải quyết song phương. Có rất nhiều vấn đề bạn có thể giải quyết song phương trong khuôn khổ đa phương.
Về phần Mỹ, trong các cuộc thảo luận với TQ, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng chúng tôi có thể hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp hoà bình cho những tranh chấp hiện nay. Chúng tôi cũng làm rõ quan điểm rằng một số hành động khiêu khích đã vượt quá giới hạn.
Tôi nghĩ là ASEAN có thể làm rõ điều đó, rằng đâu là giới hạn không được vượt qua. Hi vọng rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng nào xảy ra ở Biển Đông. Nhưng theo thời gian, chúng ta có thể xây dựng sự hiểu biết và cởi mở cho phép ASEAN có thể có những bước đi chưa từng có trước kia.
TS Nguyễn Hùng Sơn: Tôi nghĩ có những chỉ trích đối với ASEAN là bởi người ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào tổ chức này. Thử tưởng tượng xem nếu không có ASEAN thì sao? Đâu sẽ là nơi để bạn thảo luận DOC? Đâu là nơi để thúc đẩy an ninh hàng hải ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh mà ngoại giao có vai trò quan trọng để ngăn ngừa những tính toán sai lầm và tăng cường hợp tác, liệu những điều đó có thể xảy ra không khi thiếu vắng những cơ chế mà ASEAN đã tạo ra. Vì thế, tôi không phủ nhận sự thực rằng ASEAN đã không đủ khả năng ngăn chặn một số vụ việc xảy ra trên biển Đông, nhưng sau mỗi sự vụ, ASEAN đã học được bài học nào đó và trở nên tiến bộ hơn.
Lấy ví dụ ngay sự kiện giàn khoan vừa qua, ASEAN đã ra tuyên bố mạnh mẽ nhất trong 20 năm trở lại đây khi chỉ trích đích danh TQ đã gây ra vụ việc. Và không chỉ với tư cách một nhóm, từng thành viên ASEAN cũng đã thúc đẩy chính sách Biển Đông của họ theo hướng làm sao để trở thành người chơi tích cực hơn, đóng góp vào việc duy trì hoà bình trên Biển Đông.
Đặc biệt ngay cả những nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng đóng góp vào tiến trình này. Ví dụ, Thái Lan và Myanmar, cũng đã đóng góp rất tích cực để thúc giục ASEAN đạt được một tuyên bố chung với TQ. Dĩ nhiên, không có gì xảy ra ngay sau một đêm, chúng ta cần kiên nhẫn với ASEAN. Cho họ thời gian và họ sẽ trưởng thành.
Đại sứ Bindenagel: Cùng với sự tham dự của Mỹ?
TS Nguyễn Hùng Sơn: Đúng vậy. Đó cũng là một trong những mục đích của ASEAN.
Đại sứ Bindenagel: Tôi hiểu điều đó. Tôi tin rằng Mỹ có lợi ích khi hiện diện ở khu vực này, đồng thời chúng tôi cũng có lợi ích khi các điểm nóng ở đây được giải quyết một cách hòa bình. Và nếu bây giờ chưa giải quyết được thì chí ít cấu trúc mà chúng ta đang đề cập đến sẽ cho phép các chính phủ hoặc giới doanh nghiệp sử dụng các kênh ngoại giao để tìm kiếm các cách thức thay đổi thực trạng theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung một cách thận trọng rằng ngoại giao nếu không có thực lực quân sự hỗ trợ thì cũng giống như một dàn giao hưởng không có nhạc cụ. Tôi không nói rằng cần phải sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng bạn cần phải có năng lực để buộc đối phương tôn trọng cam kết. Chuẩn bị cho xung đột chính là cách hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột.
Phối hợp nhuần nhuyễn song phương và đa phương
Nhà báo Việt Lâm: Đây là một luận điểm khá thú vị. Vậy ông nghĩ sao về đề xuất của một số học giả Mỹ tại cuộc hội thảo của Diễn đàn Toàn cầu Boston tuần trước, rằng Mỹ cần phải hỗ trợ từng nước ứng phó với áp lực từ TQ?
Đại sứ Bindenagel: Không, tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các bên tham gia tranh chấp giải quyết song phương với TQ, bên cạnh việc tận dụng các kênh đa phương. Trong trường hợp của Việt Nam và TQ, hai bên cần có các cuộc đối thoại song phương ở các cấp độ khác nhau trong chính phủ nhằm đảm bảo rằng các bên không tính toán sai lầm.
Về lâu dài, các cuộc đối thoại song phương cần có sự tham gia của các nhóm khác nhau, có thể là các think-tank như Học viện Ngoại giao, giới doanh nhân, quân đội. Những nhóm này có thể ngồi lại với nhau để bàn thảo về các kịch bản có thể xảy ra, khả năng nào là khả thi, kết quả có thể là gì?
Tôi đã từng tham gia đàm phán giải quyết vấn đề kim cương máu [1] giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm đấu tranh xã hội. Các nhóm này gần như đã phá hủy ngành công nghiệp kim cương. Nhưng đến cuối cùng họ đã ngồi lại với nhau và cùng thảo luận xem kết quả tốt nhất có thể đạt được là gì. Hai bên cùng đồng ý thiết lập hệ thống chứng nhận nguồn gốc để kiểm soát kim cương, nhờ đó số lượng kim cương từ vùng chiến sự đã được giảm hẳn và gần như loại bỏ ra khỏi thị trường. Tất nhiên, tôi không tin rằng các quốc gia có thể đàm phán song phương thành công với TQ bởi sự chênh lệch về vị thế và thực lực. Do đó, như tôi đã nhấn mạnh, cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa song phương và đa phương. Nhưng không phải là tham gia liên minh chống TQ. Như tôi nói ngay từ đầu, Mỹ và VN sẽ không thành lập liên minh để chống TQ. Điều đó sẽ không hiệu quả.
TS Nguyễn Hùng Sơn: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Đại sứ là không thể có một cấu trúc đơn lẻ nào giúp giải quyết mọi vấn đề. Tôi nghĩ rằng khả thi hơn cả là một kiến trúc an ninh khu vực, như chúng tôi thường gọi, trong đó bao gồm các cơ chế song phương và đa phương phục vụ cho các nhóm người chơi khác nhau. Các cơ chế này có thể có nhiều hình thức, chính thức hoặc không chính thức, miễn sao chúng giúp loại bỏ những mơ hồ, thiết lập một tầm nhìn và nhận thức rõ ràng trong các tay chơi. Đấy là lý do vì sao ASEAN với tư cách một người chơi quan trọng trong khu vực đã ra sức thúc đẩy việc hình thành một khuôn khổ nhiều tầng nhiều lớp, với nhiều tiến trình đa phương mà ở đó các quyền thành viên khác nhau, mục đích khác nhau. Đôi khi, những cơ chế này bị chỉ trích là chồng lấn lên nhau, song theo quan điểm của ASEAN, chúng phù hợp với lợi ích đa dạng của các nước trong khu vực cũng như giúp bình ổn một khu vực đang có rất nhiều bất ổn.
Nhà báo Việt Lâm:Vâng, nhân đây độc giả có một câu hỏi dành cho TS Nguyễn Hùng Sơn. Chúng ta thấy rằng để ứng phó với sự trỗi dậy của TQ, nhiều nước vừa và nhỏ trong khu vực đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, vận động khôn khéo để tạo cân bằng và giành lợi thế. Còn VN thì sao?
TS Nguyễn Hùng Sơn: Trước hết, tôi phải nói rằng nhỏ không hẳn là yếu và lớn không nhất thiết là mạnh. Cho dù có diện tích lớn như Trung Quốc thì điều đó cũng không có nghĩa rằng Trung Quốc rất mạnh. Bản thân TQ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nội tại, và theo một cách nào đó thì TQ vẫn có nhiều điểm yếu. Và VN, cho dù là một nước nhỏ cũng không có nghĩa là chúng ta yếu. Chúng ta có thể có sức mạnh và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế nếu VN biết cách sử dụng sức mạnh mềm. Hãy nhìn vào Singapore, một nước nhỏ như vậy nhưng không ai dám nói rằng họ yếu ớt về mặt chính trị. Họ đã thể hiện được sức mạnh vượt ra ngoài tầm vóc của họ.
Vậy thì đâu là lựa chọn cho VN? Tôi nghĩ lựa chọn của VN là đi với cộng đồng quốc tế và được cộng đồng quốc tế bảo vệ. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải hội nhập và hợp tác đầy đủ với cộng đồng quốc tế. Chúng ta nên ủng hộ những luật chơi mà cộng đồng quốc tế đã tán thành, đó là luật pháp quốc tế. Chúng ta nên nỗ lực ủng hộ việc thực thi luật pháp quốc tế. Cụ thể là chúng ta nên làm rõ và diễn giải luật pháp quốc tế trong bối cảnh ở Biển Đông, cũng như thúc đẩy cho cách thức diễn giải đó được tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó có TQ, chấp thuận.
Chúng ta cần đóng góp làm cho ASEAN mạnh lên và có tiếng nói mạnh mẽ trên sân khấu quốc tế. Nếu ASEAN có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế trong khu vực, khi đó VN cũng sẽ có vị thế và ảnh hưởng tốt hơn. Tôi tin rằng đây là cách tiếp cận mà VN, với tư cách là một nước vừa/nhỏ, nên cân nhắc trong bối cảnh một thời đại mà người ta đang phải chứng kiến ngày càng nhiều các trò chơi bá quyền.
Đại sứ Bindenagel: Tôi thích cách mô tả này. Nhưng tôi muốn thêm vào một chút, là VN có thể mở rộng đến tầm toàn cầu. Các bạn có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, có WTO. Chỉ riêng trong những tổ chức này, vai trò mà VN có thể đóng góp sẽ thực sự có ý nghĩa quan trọng bởi những tổ chức này đã thiết lập được một khung luật chơi.
Tất nhiên đây là những vấn đề khó đối với VN. Bởi để có tiếng nói và vị thế toàn cầu, VN cần phải cải tổ nền kinh tế, lắng nghe người tiêu dùng toàn cầu để hiểu được nhu cầu của họ là gì. Đảm bảo rằng các nguy cơ trong chuỗi cung ứng mà các bạn tham gia được giải quyết. Bởi nếu không, khả năng xảy ra những vụ bê bối như vụ các nhà máy thực phẩm cung ứng hàng kém chất lượng cho KFC hay Mc Donald ở TQ sẽ hủy hoại tất cả.
Bất kể vị trí nào mà VN muốn giành được trong chuỗi cung ứng này thì tên tuổi và thương hiệu của VN cũng phải gắn với chất lượng cao, sự tin cậy và an toàn. Khi đó, VN sẽ thể hiện được mình ở tầm vóc toàn cầu chứ không chỉ trong khu vực nữa.
Nhà báo Việt Lâm: Cuộc thảo luận hôm nay rất thú vị và có nhiều điểm cần phải được bàn sâu thêm. Rất tiếc là không còn thời gian nữa. Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia bàn tròn hôm nay. Xin cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi.
[1] Conflict diamonds hay blood diamonds là thuật ngữ dùng để chỉ kim cương thô được khai thác ở các vùng chiến sự và số tiền thu được từ kim cương được dùng để trang bị cho các nhóm quân nổi dậy, khiến xung đột càng dữ dội hơn.
(Theo Vietnamnet.vn)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét