Tòa án Philippines tuyên phạt các ngư dân Trung Quốc đến 12 năm tù cho tội danh đánh bắt trái phép trong vùng biển Philippines.
Tàu cá Trung Quốc mắc cạn trên bãi đá ngầm Tubbataha ở tỉnh Palawan, phía tây Manila tháng 4/2013. Ảnh: Reuters.
|
Ngoài thuyền trưởng bị tuyên phạt 12 năm tù, các thuyền viên khác nhận mức án từ 6 tháng đến 10 năm.
Các ngư dân Trung Quốc ngồi yên lặng nghe phán quyết được nhân viên tòa án đọc bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Trung. Ngoài án phạt tù, Thẩm phán Ambrosio de Luna cũng yêu cầu mỗi người nộp phạt 100.000 USD.
Văn phòng luật sư công bào chữa cho nhóm ngư dân này cho biết sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án Philippines. "Chúng tôi tin ngư dân Trung Quốc vô tội. Họ không có ý định đi vào lãnh thổ của Philippines nhưng buộc phải làm vậy vì gặp thời tiết xấu", Reuters dẫn lời luật sư bào chữa nói.
Lực lượng chấp pháp của Philippines đã bắt được các ngư dân Trung Quốc sau khi thuyền của họ mắc cạn trên bãi đá ngầm Tubbataha tháng 4/2013. Các ngư dân cho hay họ đang trên đường từ Indonesia về Trung Quốc thì gặp thời tiết xấu buộc phải vào trú ở bãi đá ngầm. Họ nói không biết mình đang ở trên lãnh thổ của Philippines. Trên tàu của họ khi đó còn chở theo những con tê tê, loại động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng, về tiêu thụ ở trong nước.
Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền với bãi đá ngầm kể trên nhưng việc bắt giữ 12 ngư dân của Bắc Kinh dường như càng làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ vốn đã đầy sóng gió giữa hai quốc gia.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, nơi được cho là giàu có về dầu mỏ và khí đốt cũng như nguồn thủy sản. Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng có tuyên bố tương tự ở vùng biển nơi có tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất thế giới với trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm này.
Năm ngoái, Philippines đệ đơn lên tòa trọng tài quốc tế tại The Hague kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Vụ kiện chưa đi đến hồi kết nhưng việc Trung Quốc từ chối ra toà án quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể tăng cường cơ hội của Manila để có được một phán quyết lợi thế tại Toà án quốc tế về Luật biển.
(Theo http://vnexpress.net
)
)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét