Thế giới đang hết sức quan tâm đến những mưu đồ và hành động tiếp theo của Trung Quốc sau một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong tháng 5 vừa qua.
Cho dù quyết định của Trung Quốc về việc rút một giàn khoan thăm dò dầu khí ra khỏi vùng biển tranh chấp nóng bỏng với nước láng giềng Việt Nam vì lý do thời tiết xấu, hoàn thành nhiệm vụ, hay sức ép ngoại giao gia tăng từ phía Mỹ hay không, thì động thái này cũng là giai đoạn mới nhất trong Đại Kế hoạch của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với Biển Đông.
Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi “một sự đóng băng tự nguyện” đối với tất cả những hành động có thể làm leo thang các tranh chấp ở vùng biển này tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mới đây, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng đó, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ vẫn duy trì quyền của mình về việc xây dựng những cấu trúc ở những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc yêu sách hơn 90% trên tổng số 3,5 triệu km2 diện tích Biển Đông.
Có một lý do địa chính trị cơ bản “ăn sâu bám rễ” trong những chính sách ngoại giao thực tế cho sự quyết liệt ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Để hiểu được hiện tại và đánh giá tương lai, cần xem xét vượt ra ngoài những sự kiện hiện nay, coi đó là những vụ việc riêng, đồng thời hãy chờ xem tham vọng lâu dài của Bắc Kinh đối với vùng biển có giá trị chiến lược cao và giàu dầu mỏ này.
Trung Quốc và một loạt quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã tranh chấp và thỉnh thoảng xung đột với nhau xung quanh những khu vực khác nhau ở Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ đến khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại một cuộc họp của ARF hồi tháng 7/2010 ở Hà Nội, rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông, thì tình hình mới bắt đầu lao dốc theo đường xoáy trôn ốc.
Lời tuyên bố chính thức của bà Hillary Clinton đã bị Bắc Kinh coi là một hành động khiêu khích và thúc đẩy việc quốc tế hóa tình hình Biển Đông. Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố rằng vùng biển này là một “lợi ích cốt lõi” của họ, mong muốn giải quyết những tranh chấp ở đó bằng hình thức song phương với từng bên có tuyên bố chủ quyền, đồng thời phản đối việc giải quyết theo hình thức đa phương cũng như các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế. Sự bác bỏ ngay lập tức của Bắc Kinh đối với đề xuất “đóng băng tự nguyện” của Ngoại trưởng John Kerry là dấu hiệu cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề này.
Kể từ bài phát biểu của bà Hillary Clinton, Biển Đông đã xảy ra một loạt tranh cãi leo thang theo kiểu hành động dẫn đến phản ứng xung quanh những thực thể riêng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. Vụ đối đầu năm 2012 giữa Trung Quốc với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough tranh chấp (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag) đã đánh dấu sự khởi đầu trong cách tiếp cận mang tính khiêu khích hơn của Bắc Kinh đối với những tranh chấp này.
Những cuộc xung đột trong năm nay giữa các tàu của Trung Quốc và Việt Nam ở gần giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, được hạ đặt hồi tháng 5 ở gần quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Tây Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1974), đã có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn. Động thái này của Trung Quốc nhiều khả năng là phản ứng đối với việc Việt Nam gần đây mời thầu các doanh nghiệp năng lượng nước ngoài tham gia hoạt động thăm dò. Tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên (ONGC) của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với PetroVietnam, một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước Việt Nam, về việc hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ.
Đến tháng 5/2014, Việt Nam đã đề nghị trao cho Ấn Độ 7 lô dầu khí để thăm dò ngoài khơi ở Biển Đông mà không phải đấu thầu cạnh tranh. Khi Ấn Độ công bố các kế hoạch từ bỏ lô dầu khí 128 vào năm 2012, Hà Nội đã yêu cầu New Delhi giữ nguyên cho đến năm 2014, qua đó thể hiện mong muốn của Hà Nội về việc duy trì sự hiện diện của Ấn Độ làm đối trọng trong khu vực. Hà Nội cũng đã mở đường cho các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn với Mỹ để chống lại sự quyết liệt ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Chắc chắn là các cuộc xung đột ở Biển Đông đang bị chi phối một phần bởi trữ lượng lớn tiềm năng dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này. Giàn khoan Hải Dương-981 là một phần của cái gọi là Chương trình 863 của Trung Quốc, một sáng kiến được công bố vào tháng 3/1986 nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến nhất của thế giới. Các cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Khoa học Công nghệ và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia đã ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển giàn khoan này.
Giàn khoan này đã giúp Trung Quốc có được khả năng độc lập trong việc khoan dầu và khí tự nhiên ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà các công ty nước ngoài có thể không sẵn sàng hoạt động do những nguy cơ chính trị. Sau động thái di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 vào tháng 5/2014, tháng 6 vừa qua Trung Quốc đã triển khai thêm 4 giàn khoan dầu (Nam Hải 2, Nam Hải 4, Nam Hải 5 và Nam Hải 9) ở Biển Đông với những nhiệm vụ thăm dò tương tự dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Những động thái này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ngoại giao và kinh tế hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Vậy thì Đại kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông là gì? Chính sách đối ngoại chiến lược “giấu mình chờ thời” được thực hiện từ trước đến nay đang thay đổi sang một thái độ ngày càng quyết liệt hơn.
Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời” về các khả năng của họ và đang ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự và công nghệ của họ, trong đó có việc triển khai một lực lượng hải cảnh đã được cải thiện nhiều để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 khỏi sự quấy nhiễu của các tàu Việt Nam.
Giờ đây thì Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng của họ trong việc đối đầu với các bên có tuyên bố chủ quyền đối địch ở Biển Đông. Chắc chắn là giờ đây họ “không xuất đầu lộ diện” trước Việt Nam và phản ứng đầy đủ của cộng đồng quốc tế đối với vụ việc giàn khoan Hải Dương-981. Đằng sau sự tương tác của chuỗi “hành động-phản ứng” xung quanh những vùng biển tranh chấp, Trung Quốc tiếp tục hành động nhanh chóng theo kế hoạch lâu dài và nhiều giai đoạn của họ để cuối cùng khẳng định sự thống trị đối với khu vực Biển Đông. Kế hoạch này bao gồm 3 bộ phận hợp thành rõ ràng, cụ thể là:
1) Tăng cường các năng lực quân sự, đặc biệt là hải quân và không quân:
Hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc gia giai đoạn 2014-2015 của họ, với 132 tỷ USD được phân bổ cho chi tiêu quân sự, tăng khoảng 12% so với năm trước đó. Sự phát triển quân sự của Trung Quốc có nhiều mục đích, và sẽ không chỉ nhằm khẳng định hay bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, mà còn được sử dụng làm một sự răn đe đối với Đài Loan và đuổi Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo Ronald O'Rourke, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Các Vấn đề Hải quân ở Mỹ, những nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc bao gồm: tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM); tên lửa hành trình chống hạm (ASCM); các tàu ngầm; tàu mặt nước; máy bay, và sự hỗ trợ của hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám); bảo trì và hậu cần; học thuyết hải quân; chất lượng nhân sự; giáo dục và huấn luyện.
2) Cải thiện hình ảnh quốc tế
Trung Quốc đã bị chỉ trích nhiều vì thiếu bằng chứng pháp lý cho tấm bản đồ đường chín đoạn (còn gọi là đường “lưỡi bò” hay đường chữ U) tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Trong quá khứ, sự chỉ trích quốc tế như vậy hẳn sẽ có ảnh hưởng hạn chế đối với chính sách của Bắc Kinh, như đã thể hiện qua việc họ từng phản ứng không đủ mạnh sau khi Bắc Kinh tiến hành cuộc đàn áp gây chết người nhằm vào các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây đang phải lo lắng hơn nhiều về hình ảnh toàn cầu của họ. Điều đó đã được kiểm chứng bởi những nỗ lực của các cơ quan chính quyền Trung Quốc nhằm kiểm duyệt bất kỳ sự miêu tả tiêu cực nào về nước này trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh. Khi vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây về những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách củng cố những tuyên bố của họ thông qua những kháng cáo lên Liên Hợp Quốc. Chiến thuật mới này, mặc dù không kêu gọi một sự can thiệp đa phương vào những tranh chấp này, nhưng được coi là một sự phản ứng đối với việc Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để khẳng định chủ quyền của họ đối với các khu vực tranh chấp.
3) Củng cố các tuyên bố pháp lý
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã đưa ra một báo cáo gửi lên Liên Hợp Quốc, với nhan đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981: Sự khiêu khích của Việt Nam và Lập trường của Trung Quốc,” trong đó chỉ trích những hành động bị cho là khiêu khích của Việt Nam xung quanh giàn khoan này và cung cấp một phác thảo toàn diện về những yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc được ban hành ngày 4/9/1958. Hơn nữa, bản báo cáo này cũng bao gồm những trang phôtô từ một cuốn sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh lớp 9 của Việt Nam được xuất bản cách đây 40 năm, và một tấm bìa của một tập bản đồ thế giới (World Atlats).
Một phương pháp khác mà Trung Quốc đang sử dụng để hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền của họ là vận chuyển cát tới những bãi đá ngầm và bãi cạn mà họ đã kiểm soát ở Biển Đông. Tiến trình này, được gọi là “xây dựng đảo,” được thực hiện nhằm hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của họ theo định nghĩa về lãnh thổ như đã được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc dường như lên kế hoạch di chuyển những cộng đồng dân cư tới những vùng lãnh thổ đã được tạo ra để sinh sống lâu dài, qua đó tăng cường sự khẳng định về mặt pháp lý của họ đối với các thực thể và các hòn đảo nhất định.
Để dự đoán trước những hành động tiềm tàng của Trung Quốc sau vụ giàn khoan Hải Dương-981, cần phải hiểu được Đại kế hoạch và việc khẳng định sự thống trị cuối cùng của họ ở Biển Đông. Vấn đề không phải là tại sao Trung Quốc lại rút giàn khoan Hải Dương-981 (ra khỏi vùng biển Việt Nam) mà là những chính sách thích ứng nào nhiều khả năng họ sẽ thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Cuộc xung đột leo thang, dù có hay không có những lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ, cũng sẽ không được giải quyết sớm. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất mà bất kỳ kẻ bàng quan nào có thể phạm phải là coi sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 là chuyện chỉ xảy ra một lần. Thay vào đó, nó là một hành động đã được tính toán cẩn thận và là một phần của một chiến lược lớn hơn./.
Bài viết của Billy Tea, chuyên gia nghiên cứu thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, đăng trên Asia Times Online.
(http://nghiencuubiendong.vn/)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét