Đại diện của Bắc Kinh và Manila tranh cãi về căng thẳng ở Biển Đông tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao khu vực, trong đó Philippines yêu cầu dừng các hành đông khiêu khích còn Trung Quốc rắn giọng bác bỏ ngay kế hoạch.
Theo WSJ, cả Bắc Kinh và Manila đều tìm cách chèo lái hướng đi của cuộc đối thoại tại loạt hội nghị các bộ trưởng của ASEAN và đối tác. Trung Quốc bác bỏ kế hoạch ba bước của Philippines nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, còn Manila tố cáo nước láng giềng theo đuổi đòi hỏi chủ quyền bằng cách gây hấn và đi ngược lại cam kết dùng các biện pháp ngoại giao hòa bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ngoại trưởng Philippines gặp gỡ trong cuộc họp của Bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Myanmar hôm 9/8. Ảnh: EPA
|
Đề xuất ba bước của Philippines được nhắc đến trong Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN đưa ra hôm qua, nhưng văn bản này không khẳng định chấp nhận hay ủng hộ. Bước thứ nhất trong đề xuất này là dừng mọi hoạt động khiêu khích và gây căng thẳng trên Biển Đông. Một đề xuất của Mỹ về việc đóng băng các hoạt động như vậy cũng đã không nhận được sự hưởng ứng của Trung Quốc.
Tuyên bố chung của ASEAN đề cập sự "quan ngại sâu sắc" của các nước trong khối, kêu gọi kiềm chế và đẩy nhanh đàm phán về bộ quy tắc ứng xử COC - một tiến trình ì ạch nhiều năm nay.
Kết quả của hội nghị cho thấy chiến thuật gây ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như sự chia rẽ còn tồn tại trong nội khối ASEAN, giữa một bên là các nước sẵn sàng có biện pháp cứng rắn hơn với các hành động của Trung Quốc, và một bên ngần ngại, không muốn làm mếch lòng đối tác kinh tế khổng lồ của mình.
"Quan điểm ngoại giao của Trung Quốc trong vấn đề này gây trở ngại, đẩy các nước ASEAN đến chỗ đàm phán mãi không thôi", Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói.
Bằng cách tạo ra chia rẽ giữa các thành viên ASEAN, Bắc Kinh đã khá dễ dàng trong việc theo đuổi chiến lược ngoại giao của họ trên Biển Đông, gây ảnh hưởng đến nhịp độ cũng như nội dung của các cuộc đàm phán sao cho có lợi cho họ, ngăn cản các thế lực mạnh khác như Mỹ tác động tới tiến trình, ông Thayer nhận xét.
Theo Richard Bitzinger, nghiên cứu sinh cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Singapore, người Trung Quốc nghĩ vấn đề đã được định đoạt rõ ràng, và rằng họ có chủ quyền với hầu hết Biển Đông. "Họ chỉ muốn mọi người đồng ý như vậy, ký vào". Quan điểm của họ là nếu phần còn lại của ASEAN không đạt được đồng thuận, "sẽ có một cuộc đối đầu", nhà nghiên cứu bình luận.
Kế hoạch ba bước
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 8/8 chính thức đưa ra đề xuất "kế hoạch hành động ba phần" (TAP) để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 ở Myanmar.
Ngoại trưởng Mỹ tán thành đề xuất. Một số nước thành viên ASEAN thể hiện sự ủng hộ một cách thận trọng, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thẳng thừng bác bỏ, cho rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận những đề xuất làm "gián đoạn" tới cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp đang diễn ra. Ông Vương chỉ trích Manila đưa tranh chấp song phương với Bắc Kinh ra trọng tài quốc tế, vụ kiện mà Trung Quốc từ chối tham gia. “Nếu Philippines muốn thực hiện kế hoạch này, họ phải hủy bỏ đơn kiện ra tòa án quốc tế”, ông Vương nói.
Ngoại trưởng Philippines sau đó bác lại những lời chỉ trích của ông Vương, nói rằng kế hoạch hành động ba phần phù hợp với Tuyên bố chung giữa ASEAN-Trung Quốc năm 2002 mà Bắc Kinh ký kết nhằm, tạo ra khuôn khổ cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
"Đáng lẽ họ không nên phản đối kế hoạch, nó vừa tích cực, mang tính xây dựng và toàn diện", ông Del Rosario nói và cho biết Trung Quốc đang cố hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền trước khi tòa phân xử và bộ quy tắc ứng xử hoàn tất.
Tranh chấp ở Biển Đông là nội dung được quan tâm nhất trong các cuộc họp của ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác, sau hàng loạt hành động khiêu khích và thay đổi hiện trạng mà Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) cuối tuần qua diễn ra ở Myanmar, quy tụ đại diện 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác chính, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU).
(Theo vnexpress.net)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét