Chính Lưu Hoa Thanh là kẻ chủ mưu kế hoạch xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 với vai trò Tư lệnh Hải quân.
Gulf News ngày 21/8 bình luận, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thống trị các tuyến hàng hải trọng yếu một khi Mỹ không còn hứng thú, trong đó nhắc nhở các nước Vùng Vịnh phải có một chiến lược hải quân mới để duy trì các tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế luôn rộng mở cho khách hàng của họ ở Đông Á có thể qua lại dễ dàng.
Các vùng biển và đại dương sẽ là chiến trường trong thế kỷ 21, các cường quốc kinh tế cũ và mới sẽ đấu tranh để chiếm lĩnh các tuyến đường hàng hải nơi 90% giá trị hoạt động thương mại toàn cầu phải đi qua. Họ sẽ sử dụng lực lượng hải quân của mình để tới nơi họ tìm kiếm lợi ích chính trị hay quân sự, đồng thời họ cũng để mắt tới những tài nguyên thuộc những vùng biển này.
"Trung Quốc bành trướng Biển Đông vì tư duy mình là trùm thiên hạ"
Thuật ngữ tiếng Anh "South China Sea" chính là một cái tên nhầm lẫn cho phép nhiều người ngây thơ tin vào tuyên bố của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã cho thấy nhận thức rõ ràng rằng họ muốn kiểm soát các vùng biển và Bắc Kinh đã khởi động chiến lược vươn ra đại dương toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Với phần còn lại của thế giới, mối quan tâm đang đặt ra là liệu Hoa Kỳ có một sự đồng thuận tương tự hay chỉ đơn giản là cố gắng mở rộng sức mạnh hải quân sau Chiến tranh Lạnh để rồi đi vào một tương lai không chắc chắn?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đã tiết lộ suy nghĩ ngắn hạn của Washington khi cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo về cắt giảm ngân sách và các cuộc chiến lợi ích đặc biệt của Quốc hội Mỹ trong một cuốn sách của ông. Robert Gates không nói về bất kỳ nhiệm vụ nào để bảo vệ tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quan trọng.
Chiến lược vươn ra đại dương của Trung Quốc được xác định công khai gần đây nhất vào năm 2013 trong sách trắng quốc phòng. Theo Trung tâm Đông Tây, đây là lần đầu tiên cả đại hội đảng Cộng sản và Quốc hội Trung Quốc thể hiện rõ quan điểm "bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải", bảo vệ "quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài" là mục tiêu quan trọng đối với quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên chiến lược vươn ra đại dương được Trung Quốc xây dựng 1 khoảng thời gian dài trước đó. Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc giai đoạn 1982 - 1988 chính là tác giả của bản kế hoạch 3 giai đoạn rất rõ ràng để tăng cường quyền lực biển của Trung Quốc. Cũng xin lưu ý, chính Lưu Hoa Thanh là kẻ chủ mưu kế hoạch xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 với vai trò Tư lệnh Hải quân, trực tiếp phụ trách soạn thảo kế hoạch - PV.
Lưu Hoa Thanh (giữa) thị sát trái phép quần đảo Hoàng Sa tháng 3/1985 sau khi Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía tây quần đảo này của Việt Nam năm 1974. |
Giai đoạn thứ nhất là để Trung Quốc có thể kiểm soát những gì họ gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" gần bờ biển của họ vào năm 2000. Sau đó là mục tiêu vươn tới "chuỗi đảo thứ 2" vào năm 2020, trong đó bao gồm hiện thực hóa (cuồng vọng, dã tâm) đường lưỡi bò nổi tiếng (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông, biến 90% vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc khiến các nước ven Biển Đông đặc biệt quan ngại.
Giai đoạn thứ 3 là Trung Quốc phát triển được một lực lượng hải quân "hải dương xanh" có khả năng thực hiện các nhiệm vụ gây ảnh hưởng toàn cầu vào năm 2050.
Sức mạnh hải quân Trung Quốc ngày một gia tăng trên Biển Đông và những hoạt động (bành trướng) của nó ngày hôm nay chính là kết quả giai đoạn 2 mà Lưu Hoa Thanh vạch ra để kiểm soát "chuỗi đảo thứ 2". Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã không ngừng gây hấn với các nước láng giềng trong đó có Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngày nay thậm chí cả Malaysia.
Trung Quốc thả phao tiêu trái phép bãi Cỏ Rong, Manila đặt mìn phá bỏ
Philippines đã sử dụng đặc nhiệm đặt mìn để phá hủy các phao tiêu hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong.
Chỉ trong tuần này Philippines đã phát hiện và phản đối việc Trung Quốc điều tàu tuần tra bất hợp pháp ngoài bãi Cỏ Rong (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Philippines và Trung Quốc, Đài Loan đều yêu sách - PV). Trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế - PV).
Không chỉ Trung Quốc lo lắng và tìm kiếm lợi ích ở Biển Đông, tuyến hàng hải trọng yếu này là nơi vận chuyển 2/3 nguồn cung cấp năng lượng cho Hàn Quốc, 60% cho Đài Loan và Nhật Bản cũng như 80% dầu thô mà Bắc Kinh phải nhập khẩu. Đó là lý do tại sao những gì đang xảy ra ở Biển Đông rất quan trọng với các quốc gia Vùng Vịnh. Hầu hết các khách hàng lâu dài của họ ở châu Âu và châu Mỹ đã bị mất và họ cần duy trì mối quan hệ làm ăn chặt chẽ với các khách hàng Đông Á.
Mặc dù Biển Đông có vai trò trọng yếu như vậy, nhưng Trung Quốc lại xây dựng 4 địa điểm để tiến vào Ấn Độ Dương có thể kiểm soát tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ Vùng Vịnh về đại lục một cách dài hạn: cảng Chahbahar ở Iran, cảng Gwadar ở Pakistan, Trung Quốc cũng đã xây dựng 1 cảng lớn trên đảo Ramree ở Myanamar là điểm cuối của tuyến đường ống dẫn dầu, khí đốt về Côn Minh tỉnh Vân Nam. Và "cánh cổng" thứ 4 nằm ở Hambantota, Sri Lanka được Bắc Kinh mở cửa năm 2010.
Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc không dựa vào suy nghĩ Mỹ sẽ suy yếu trong việc giám sát các tuyến hàng hải trọng yếu quốc tế để tìm cách kiểm soát. Đến năm 2050, mục tiêu của Lưu Hoa Thanh đề ra là Trung Quốc có khả năng "thích làm gì thì làm" ở Biển Đông. Đây sẽ là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các nhà cung cấp ở Vùng Vịnh, những nước cần chuẩn bị với mối đe dọa này, ngay cả khi Mỹ không hiện diện ở đây để giúp đỡ họ
(Theo http://giaoduc.net.vn/)
.
.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét