JenPsaki - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ
Ngày 1/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên bấp chấp luật pháp quốc tế và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, phá vỡ các tuyên bố, Hiệp ước, Hiệp định về Biển Đông để đưa giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Giàn khoan HD-981 với khoảng 80 tàu hộ tống, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính; cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá; ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Tất cả cho thấy, Trung Quốc đang hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông theo kiểu “Luật Rừng”.
Trước hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt nam do Trung Quốc gây hấn. Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đã có những phản ứng kiên quyết, hành động thiết thực phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đồng hành cùng Việt Nam, chính giới các nước và dư luận thế giới đã có những phản ứng bày tỏ quan ngại, phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phá hoại hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới.
          Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore… đồng loạt bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sáu nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi hành động của Trung Quốc là "gây hấn", "gây rắc rối" và "đe dọa tự do thương mại toàn cầu". Ngày 7 tháng 5 năm 2014 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: "Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan dầu cùng với nhiều tàu của chính phủ lần đầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích và gây ra căng thẳng. Hành động đơn phương này là một phần trong trong kế hoạch hành động lớn hơn của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền ở những khu vực lãnh thổ tranh chấp theo cách làm giảm hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi cũng rất quan ngại về cách làm nguy hiểm này cũng như sự đe dọa của tàu đang hoạt động trong khu vực này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy hành động một cách thận trọng và chuyên nghiệp, duy trì tự do hàng hải, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/5 tuyên bố: "Chúng tôi muốn nhìn thấy một bộ quy tắc ứng xử được thiết lập, muốn vấn đề này được giải quyết hòa bình bằng Luật Biển, thông qua trọng tài hoặc các biện pháp khác, chứ không phải bằng trực đối đầu trực tiếp và hành động gây hấn".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Myanmar hôm 11/5, các lãnh đạo ASEAN đã ra một tuyên bố kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc làm leo thang căng thẳng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cũng đồng tình với mong muốn của ông Kerry về việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông - một nỗ lực nhằm giúp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và 5 bên liên quan: "Chúng ta cần một phương án mà tất cả các bên giải quyết các tranh chấp và bất đồng theo cách các bên đều có thể chấp nhận được".
Không chỉ dừng lại ở phát ngôn Ngoại giao của Chính phủ nhiều nước, mà báo chí, học giả, chính trị gia nhiều nước trên thế giới đã có những phát biểu, bình luận khách quan, toàn diện, dựa trên cơ sở khoa học và pháp lý, khẳng định thẳng thắn, rõ ràng sự phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam.
Báo The New York Times, trong một bài xã luận bày tỏ quan điểm chính thức của tờ báo nhan đề "Trouble in the South China Sea" đăng ngày 9 tháng 5, ủng hộ quan điểm của Việt Nam, cho rằng luận điệu của Trung Quốc không thuyết phục, và kêu gọi Việt Nam và các nước láng giềng có sự phản ứng thống nhất đối với "hành động gây hấn" của Trung Quốc.
Trên báo Asahi Shimbun – một tờ báo lớn và uy tín nhất của Nhật Bản, trong một bài xã luận đăng ngày 9 tháng 5, kêu gọi phía Trung Quốc phải "lập tức chấm dứt" hoạt động khai thác dầu mỏ trên Biển Đông, và cho rằng hành động của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được". Tờ báo đồng ý với quan điểm của Việt Nam rằng địa điểm khai thác hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho rằng Trung Quốc không có quyền đơn phương khai thác trong khu vực tranh chấp.
Tờ The Christian Science Monitor, một tờ báo lớn của Hoa Kỳ, trong một bài xã luận đăng ngày 8 tháng 5, ví các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông với các hành động của Nga tại Ukraina. Tờ báo cho rằng Việt Nam, như Ukraina, là đối tượng bị cường quốc láng giềng xâm chiếm vì các nước này không tham gia liên minh tương trợ quân sự với các nước dân chủ ở châu Á và châu Âu. Tờ báo kêu gọi Việt Nam dân chủ hóa, tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm, để gia nhập các khối liên minh quân sự thì mới khỏi bị Trung Quốc dòm ngó.

Tờ Oman Tribune, một tờ báo tiếng Anh có ảnh hưởng tại Oman, trong một bài xã luận, cho rằng Trung Quốc là phía gây hấn trong việc thay đổi hiện trạng bằng cách đưa giàn khoan khai thác vào. Tờ báo cho rằng "Bắc Kinh không qua mắt được ai trong việc đổ trách nhiệm về căng thẳng vào Hoa Kỳ".
Tờ The Washington Post, một tờ báo lớn có ảnh hưởng xuất bản tại thủ đô Hoa Kỳ, trong một bài xã luận đăng ngày 12 tháng 5, đánh giá tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại nơi đặt giàn khoan là "mỏng manh" hơn Việt Nam và cho rằng bản đồ chín đoạn của Trung Quốc là "táo bạo". Tờ báo cho rằng Trung Quốc có những hành động đơn phương vì họ tính toán rằng các hành động đó sẽ không đem lại sự chống cự có ý nghĩa từ các nước láng giềng hay Hoa Kỳ. Tờ báo cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động đơn phương trong khu vực cho đến khi gặp phải chống cự có phối hợp trên phương diện ngoại giao hay quân sự.
Tờ Financial Times, một tờ báo tài chính lớn xuất bản tại Anh, trong một bài xã luận đăng ngày 13 tháng 5, cho rằng "Bắc Kinh rõ ràng chịu trách nhiệm chính về việc đột ngột tăng căng thẳng", nhưng cũng kêu gọi "Việt Nam nên cảnh giác để khỏi châm ngòi một cuộc chiến với Trung Quốc, khi xét đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc". Tờ báo cho rằng phản ứng của ASEAN là "yếu đuối" và kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông ngưng khai thác dầu mỏ trong vùng biển tranh chấp hoặc chia sẻ chiến lợi phẩm.
Ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á khẳng định: "Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982".
Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu về Biển Đông có uy tín khẳng định: “Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó”.
Ông Daniel Schaeffer
Theo chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, ngoài việc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), hành động đơn phương của Trung Quốc là trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thông qua năm 2002. GS Carl Thayer, cố vấn Học viện Quốc phòng Úc và là giáo sư tại Đại học New South Wales, cho đó là "hành động khiêu khích, xâm phạm vùng biển đặc quyền này của Việt Nam theo luật pháp quốc tế."
Như vậy, rõ ràng hành vi xâm phạm thô bạo chủ quyền Việt Nam từ phía Trung Quốc đã vấp phải dư luận phản đối gay gắt trên toàn thế giới, không chỉ chính giới các nước, mà các nhà nghiên cứu, học giả, luật gia… Mọi ý kiến đều khẳng định sự phi pháp của phía Trung Quốc, ủng hộ các hoạt động chính đáng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Phía Trung Quốc cần hành xử có trách nhiệm, dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế, xứng đáng với vai trò là một trong năm Ủy viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trung Quốc không thể đi ngược lại xu thế hòa bình, ổn định và văn minh của nhân loại.
(Nguồn: theo Việt Tân, người con yêu nước)

0 Nhận xét:

Flag Counter

Sự Thật và Dối Trá

Sự Thật và Dối Trá

XEM NHIỀU

bunhinrom007@gmail.com. Được tạo bởi Blogger.

Lượt Xem