Hết thời gian nghỉ phép, Trung sĩ Chung A Di, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7) được bố chở ra bến xe để lên đơn vị. Lúc 13 giờ ngày 4-10-2014, khi qua cầu sông Dinh, Chung A Di phát hiện một phụ nữ nhảy từ trên cầu xuống sông. Lúc đó trên cầu rất đông người, nhưng tất cả mọi người chỉ hốt hoảng đứng nhìn. Không chút đắn đo, Chung A Di liền nói: “Bố dừng xe lại!”. Từ độ cao gần 10m, bất chấp hiểm nguy, Chung A Di lao mình xuống dòng nước xiết. Anh cố hết sức chống chọi với dòng nước xoáy bơi ra tiếp cận nạn nhân là một phụ nữ khá to béo.

Trung sĩ Chung A Di.
Nước chảy xiết làm Chung A Di mấy lần hụt hơi, có lúc chới với giữa dòng nước, nhưng anh đã lấy hết sức mình ghì chặt nạn nhân, lựa chiều nước chảy đưa nạn nhân vào bờ rồi nhanh chóng làm động tác hô hấp nhân tạo, cấp cứu nạn nhân; đồng thời kêu mọi người báo cho Công an xã Sông Thao, lực lượng y tế địa phương đến hỗ trợ. Nạn nhân dần tỉnh lại. Người được Chung A Di cứu là chị Đinh Thị Tươi, 22 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, vì lý do buồn chán chuyện gia đình nên đã tìm cách quyên sinh.
Chung A Di sinh ra và lớn lên tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trong một gia đình nghèo có 3 anh em. Chung A Di là con út. Bố chạy xe ôm, mẹ buôn bán nhỏ kiếm sống. Tháng 2-2013, Chung A Di tình nguyện nhập ngũ với mong muốn được đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thiếu tá Trần Hoàng Thắng, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 cho biết: Quá trình công tác tại đơn vị, Chung A Di luôn xác định tốt nhiệm vụ, khiêm tốn, sống rất tình cảm, hòa đồng với mọi người, tận tụy trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hành động dũng cảm cứu người gặp nạn của Chung A Di đã được lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 5 khen thưởng, đồng thời phát động tuổi trẻ toàn sư đoàn học tập, noi theo.
(Theo http://www.baomoi.com)

Mỹ không thể bỏ qua việc Bắc Kinh muốn thiết lập quyền bá chủ ở Biển Đông, thậm chí chạm tới bờ biển các nước khác.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tờ Epoch Time ngày 30/9 đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry ngày 1 và 2/10. Hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông dự kiến sẽ đứng đầu trong nội dung nghị sự giữa 2 nhà lãnh đạo.
Trong những tháng gần đây, chính sách đối ngoại của Washington đã được tranh luận xung quanh việc Mỹ tham gia vào vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ trao đổi rộng rãi xung quanh việc bảo vệ quyền tự chủ và chính sách của Mỹ khi duy trì sự cân bằng trong khu vực.
Trung Quốc là một cường quốc mới nổi và hợp tác là điều cần thiết trong lĩnh vực chống khủng bố, biến đổi khí hậu, hạn chế vũ khí hạt nhân. Nhưng Mỹ không thể bỏ qua việc Bắc Kinh muốn thiết lập quyền bá chủ ở Biển Đông, thậm chí chạm tới bờ biển các nước khác.
Bắc Kinh tỏ ra thận trọng ở Hoa Đông bởi Nhật Bản là một đối thủ đáng gờm. Nhưng Trung Quốc đang tỏ ra khá tự tin ở Biển Đông, thách thức trật tự luật pháp quốc tế được thể hiện rõ trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc cũng đang tìm cách chống lại giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng đàm phán đa phương hoặc đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Bắc Kinh có xu hướng phô trương sức mạnh vũ lực ở Biển Đông khiến các bên liên quan lo ngại.
Trong một động thái khác có liên quan, Thông tấn xã Đài Loan ngày 30/9 cho biết, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã ngầm tố cáo Trung Quốc vi phạm UNCLOS, theo đuổi chủ nghĩa bành trướng, có những hành động nguy hiểm, lỗ mãng và bạo lực nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của các nước ven Biển Đông.
(Theo http://giaoduc.net.vn)
.

Cùng với việc xây dựng trái phép các căn cứ không quân, hải quân, Bắc Kinh còn phát triển bất hợp pháp hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch trên 4 đảo nhân tạo này



Hình ảnh đồ họa đảo nhân tạo với căn cứ không quân bất hợp pháp Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Gạc Ma được các tờ báo, trang mạng Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền trái phép.
Tờ Philstar ngày 30/9 dẫn nguồn tin nghiên cứu quân sự và giám sát hàng hải Philippines cảnh báo, việc Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp các bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) thành đảo nhân tạo rõ ràng là một phần của kế hoạch Bắc Kinh sẽ thiết lập trái phép một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong khu vực.
Một quan chức an ninh cấp cao Philippines nói với Philstar, Trung Quốc chỉ đang chờ hoàn thành các dự án xây dựng trái phép căn cứ hải quân, không quân trên 4 bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa trước khi tuyên bố áp đặt trái phép ADIZ như những gì họ đã làm ở biển Hoa Đông năm ngoái.
Hoạt động giám sát trên không của Bộ tư lệnh Miền Tây Philippines cho thấy 4 bãi đá nói trên hiện đầy ắp các hoạt động xây dựng. Đó là 4 trong 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cất quân xâm lược năm 1988 và chiếm đóng bất hợp pháp tới nay, Philippines cũng yêu sách vùng đặc quyền kinh tế với khu vực này và một phần quần đảo Trường Sa - PV.
Cùng với việc xây dựng trái phép các căn cứ không quân, hải quân, Bắc Kinh còn phát triển bất hợp pháp hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch trên 4 đảo nhân tạo này, bao gồm cả bể bơi và khách sạn để triển khai hoạt động du lịch từ Trung Quốc ra Trường Sa.
Quan chức hàng không Philippines, John Andrews đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ áp đặt bằng mọi cách ADIZ ở Biển Đông vì họ vẫn không ngừng theo đuổi yêu sách lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của mình, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
"Một khi ADIZ được thành lập trong khu vực, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến không phận của Philippines mà còn cả lực lượng hải quân Philippines đang đồn trú trên một số điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa", một quan chức an ninh cho biết.
Nguồn tin này nói rằng Trung Quốc đang gấp rút thúc đẩy hoạt động cải tạo, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa nhằm xác định vị trí đặt các chiến đấu cơ và tàu chiến của họ để thực thi các quy định của ADIZ một khi thành lập.
Trong một động thái khác có liên quan, Triệu Giám Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã lên tiếng "chiêu an" nước chủ nhà trong bữa tiệc mừng quốc khánh Trung Quốc tổ chức tại đại sứ quán nước này khi kêu gọi 2 bên không nên tiếp tục "tranh chấp trên Biển Đông" nữa.
Ngoài giọng điệu quen thuộc và mỉa mai thường thấy của các quan chức ngoại giao Trung Quốc về cái gọi là thiện chí của Bắc Kinh duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, Triệu Giám Hoa nói tranh chấp Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông không nên tiếp tục, vì nó ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ song phương. Hiện tại 2 bên nên tính toán làm thế nào để khởi động tiến trình cải thiện quan hệ 2 nước.
(Theo http://giaoduc.net.vn/)
.

India Times lưu ý, Biển Đông đứng đầu Tuyên bố chung Mỹ - Ấn còn đặt trong bối cảnh New Delhi vừa cam kết cung cấp cho Việt Nam 100 triệu USD tín dụng...

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tờ India Times ngày 2/10 đưa tin, lần đầu tiên một bản Tuyên bố chung Mỹ - Ấn Độ đã đặc biệt đề cập đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, cả Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Narendra Modi đều bày tỏ lo ngại xung quanh những căng thẳng tranh chấp lãnh hải khu vực này.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo và cũng chỉ sau vài ngày Trung Quốc và Ấn Độ cùng rút quân khỏi khu vực đối đầu ngoài biên giới. Bế tắc ở biên giới Trung - Ấn tiếp tục kéo dài nhiều ngày mặc dù ông Tập Cận Bình đã cam kết với Thủ tướng Modi sẽ rút quân trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng trước.
Theo bản Tuyên bố chung này, Modi và Obama tái khẳng định mối quan tâm chung của họ trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực bởi điều này rất quan trọng đối với việc duy trì sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
"Các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông", Tuyên bố chung viết.
Trong thực tế, Tuyên bố chung Mỹ - Ấn trong các cuộc họp trước đây giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Manmohan Singh chỉ đơn thuần bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn vơi các nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm phối hợp tốt hơn với Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN, không hề đề cập đến tranh chấp hàng hải trong khu vực hoặc bất cứ điều gì nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải.
Không những thế, Tuyên bố chung Mỹ - Ấn lần này còn kêu gọi tất cả các bên tránh việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sức mạnh quân sự để thúc đẩy yêu sách của mình, mặc dù chưa chỉ đích danh Trung Quốc.
"Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải của họ thông qua tất cả các biện pháp hòa bình, phù hợp với nguyên tắc chung được luật pháp quốc tế thừa nhận, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)".
India Times lưu ý, Biển Đông đứng đầu Tuyên bố chung Mỹ - Ấn còn đặt trong bối cảnh New Delhi vừa cam kết cung cấp cho Việt Nam 100 triệu USD tín dụng ưu đãi để mua tàu tuần tra sử dụng ở Biển Đông, một thông điệp chính trị rõ ràng muốn gửi tới Bắc Kinh "tội lỗi" trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjee.
Ấn Độ và Trung Quốc cũng đồng ý nâng cấp đối thoại chiến lược 3 bên với Nhật Bản ở cấp Ngoại trưởng.
(Theo http://giaoduc.net.vn)
.

(TNO) Khu trục hạm tên lửa Côn Minh (Type 052D), được ví như “lá chắn Aegis Trung Quốc”, đã được điều động ra biển Đông để tiến hành tập trận hải quân trong tháng 10.


Hình ảnh của khu trục hạm Côn Minh xuất hiện trên trang tin quốc phòng military.china.com.cn (Trung Quốc)
Côn Minh được cho là tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo trang tin Want China Times (Đài Loan).
Được trang bị Hệ thống Radar Mảng Pha Quét Điện tử Chủ Động, khu trục hạm tên lửa này có hệ thống phóng thẳng đứng với 64 ống phóng tên lửa dùng để bắn tên lửa phòng không tầm xa  Hồng Kỳ-9 và tên lửa hành trình Đông Hải-10.
Côn Minh thường được so sánh với khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, theo Want China Times.
Cuộc tập trận tại biển Đông lần này được thực hiện nhằm phô trương khả năng triển khai chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Hải quân PLA tại biển Đông, nơi có nhiều vùng đang có tranh chấp giữ Trung Quốc và các nước trong khu vực, trang tin Đài Loan cho biết.
Ngoài Côn Minh, khu trục hạm Hải Khẩu (Type 052C), và một chiến hạm Type 054A cũng được cử đi tham gia tập trận.
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận này là nhằm phản ứng lại cuộc tập trận Lá chắn Dũng cảm 2014 tại đảo Guam của quân đội Mỹ.
Mặc dù Lá chắn Dũng cảm 2014 không nhằm vào Trung Quốc, nhưng nó đã được phát động cùng ngày với cuộc tập trận thường niên Han Kuang của Đài Loan.
Want China Times nhận định Bắc Kinh dường như xem 2 cuộc tập trận này là một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Đài Loan.
(Theo http://www.thanhnien.com.vn)
"Hạm đội trắng” của Trung Quốc đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây và điều đó có nghĩa là Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông sẽ còn dậy sóng.
“Hạm đội trắng”: Công cụ xâm lấn biển của Trung Quốc - Ảnh 1

Tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi nhau gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Chiều ngày 17/9 vừa qua, tàu CMS 7008 có lượng rẽ nước 1.750 chính thức được đưa vào biên chế của Cơ quan Hải giám (CMS) tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đưa tin CMS 7008 được trang bị một cặp “pháo phun nước” đặc biệt, mua của nước ngoài với cái giá 1,3 triệu nhân dân tệ (210.000 USD). Loại pháo phun nước này có “tầm bắn” tới 200 mét. Chưa hết, CMS còn được trang bị “vũ khí âm thanh” khiến cho đối phương choáng váng trong vòng 100 mét. Rõ ràng, con tàu này được thiết kế chế tạo để đối đầu với tàu thuyền nước ngoài.
Đôi nét về “Hạm đội trắng” 
Theo The National Interest, CMS 7008 chỉ là một trong những tàu mới nhất tham gia “Hạm đội trắng” có nhiệm vụ bảo vệ "chủ quyền của Trung Quốc". Hạm đội này bao gồm tất cả các tàu công vụ có lượng giãn nước lớn hơn  500 tấn và được đặt dưới sự điều hành của  các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải cấp nhà nước và cấp địa phương. Các tàu của “Hạm đội trắng” này vốn đã khét tiếng ở bãi cạn Scarborough và trong việc bảo vệ giàn khoan 981 trên vùng biển của Việt Nam.  Chúng có nhiệm vụ thực thi điều mà nhà phân tích Christian Le Miere gọi là "ngoại giao bán pháo hạm” của Trung Quốc và ngày càng táo tợn hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Các tàu này lại nhận được sự yểm trợ của các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
“Hạm đội trắng” đã phát triển vượt bậc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bổ sung thêm 52 tàu công vụ mới để “bảo vệ quyền lợi” trên biển. Mùa thu năm 2010, Trung Quốc công bố kế hoạch đóng 36 tàu Hải giám mới và cung cấp cho các tỉnh ven biển. Chiếc đầu tiên trong số tàu công vụ nói trên là tàu Hải giám CMS 8002 có lượng giãn nước 1.600 tấn đã được chuyển giao trong tháng 2/2013. Đến cuối năm 2014, hầu hết trong số 36 tàu công vụ nói trên sẽ được chuyển giao cho các chủ sở hữu.
Quyết định tăng cường “Hạm đội trắng” được Trung Quốc đưa ra sau “sự cố” bãi cạn Scarborough. Cuối năm 2012, các hoạch định chính sách Trung Quốc đã quyết định chuyển 11 tàu chiến lớn của Hải quân Trung Quốc cho các đơn vị CMS để “cải tạo” thành tàu Hải giám. Cũng trong năm 2012, CMS đã ký một loạt các hợp đồng đóng tàu Hải giám rất lớn (3.000-5.000 tấn), có khả năng hoạt động liên tục trên biển dài ngày, trong mọi điều kiện thời tiết và đặc biệt thích hợp với nhiệm vụ đe dọa tàu nước ngoài.
Hồi đầu năm nay, chiếc tàu Hải giám khổng lồ đầu tiên đã được đưa vào biên chế và đến cuối năm 2014, 6 chiếc tàu cùng loại sẽ đi vào phục vụ.  
Các tàu được đóng sau “sự cố” bãi cạn Scarborough đã đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định "chủ quyền" của Trung Quốc. Một số tàu công vụ thuộc “Hạm đội trắng” đã bám đuôi và quấy rối tàu khảo sát của Mỹ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (EEZ). Một số đã được đưa ra vùng biển gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Nhiều chiếc khác đã tham gia “bảo vệ” giàn khoan 981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Nhưng có lẽ, ví dụ sinh động nhất của mối quan hệ giữa các tàu công vụ mới của Trung Quốc và các sự kiện diễn ra trên biển đầu năm nay.
Tàu CCG 3401 gia nhập lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 10/1/2014. Con tàu 4.000 tấn này được chuyển giao  sau khi lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc được thành lập vào tháng 7/2013. Vài tuần sau khi được đưa vào hoạt động, CCG 3401 đã xuất hiện gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở quần đảo Trường Sa và có nhiệm vụ cản trở tàu thuyền Philippines tiếp cận con tàu đổ bộ BRP Sierra Madre mục nát mà thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên đó. Chiếc tàu này chính là hiện thân của chính sách “ngoại giao pháo hạm” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cưỡng chế để khẳng định "chủ quyền" của Trung Quốc
Vậy giới hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định sẽ làm gì với “Hạm đội trắng”, hạm đội mới của đất nước?
Trước hết, Trung Quốc không xây dựng hạm đội bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới để tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc bảo vệ môi trường, mặc dù các tàu này đôi khi cũng thực hiện các nhiệm vụ đó. Cũng không có ý nghĩa nhiều về kinh tế, khi Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD để thiết kế, chế tạo, vận hành và bảo trì những con tàu có nhiệm vụ tiến hành tuần tra các vùng biển tranh chấp. Trong hai năm qua, có một xu hướng rõ ràng là “Hạm đội trắng” được Trung Quốc sử dụng để cưỡng chế các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển. Những diễn biến gần đây cũng bộc lộ ý đồ của Trung Quốc, được nêu trong các tài liệu chính quyền. Điều này có thể cung cấp những hiểu biết hữu ích về những gì sắp xảy ra. 
Ngày 18/1/2013, Qian Honglin - Bí thư Đảng ủy của Chi nhánh Biển Đông của Cục Hải sự Trung Quốc (SOA)- khẳng định rằng một trong những nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ 18 của ĐCS Trung Quốc đề ra là phải bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Điều này bao gồm "nâng cao năng lực của đất nước để thực hiện kiểm soát hành chính có hiệu quả trên các vùng biển có  thẩm quyền”. Trong một bài viết đăng trên trang nhất của báoChina Ocean News số ra ngày 7/6/2014, Giám đốc SOA Liu Cigui nhắc lại mục tiêu trở thành "cường quốc biển” của Trung Quốc. Sau khi trích dẫn một loạt các xu hướng có thể đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc, Liu viết rằng lựa chọn duy nhất của Trung Quốc là nâng cao khả năng thực hiện việc kiểm soát hành chính trên biển.
Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với việc kiểm soát biển trong thời bình?
Điều này có nghĩa là sử dụng lực lượng thực thi pháp luật để khẳng định đặc quyền hành chính của Trung Quốc trên vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền: quyết định các hoạt động nào được phép và không được phép xảy ra trên cơ sở luật pháp quốc gia của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là bất kỳ bên nào cản trở nỗ lực “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc sẽ bị  cưỡng chế. Tàu nước ngoài không tuân thủ “luật pháp Trung Quốc” sẽ bị đâm va và thủy thủ đoàn trên tàu sẽ bị “pháo kích” bằng vòi rồng hoặc bị tra tấn bằng “vũ khí âm thanh” cực mạnh.
“Hạm đội trắng”: Công cụ xâm lấn biển của Trung Quốc - Ảnh 2

Tàu Trung Quốc đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần nơi hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 

Những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông là khá rõ ràng. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quyền tài phán đối với thềm lục địa đã được Trung Quốc tự ý nới rộng rất nhiều. Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông xem ra có nhiều điểm mơ hồ. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với tất cả các tính năng đất đai và nhiều tính năng bị ngập nước trong phạm vi cái gọi là “đường chín đoạn”, nhưng họ vẫn chưa chính thức xác định bản chất của "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên các vùng biển trong phạm vi đó.
Tuy nhiên, theo hai học giả người Australia là Scott Bentley và Andrew Chubb, lực lượng thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc đang hoạt động trên giả định rằng lực lượng này có thẩm quyền trên tất cả các vùng nước bên trong cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.
Do tính chất của biển, do phạm vi quá rộng lớn và do sự phản kháng của các bên tranh chấp khác, Trung Quốc khó có thể kiểm soát hành chính trên tất cả các vùng lãnh thổ và vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền mà không cần sử dụng vũ lực. Cùng với sự lớn mạnh của “Hạm đội trắng”, Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện tham vọng mà Bắc Kinh đã biến thành mục tiêu này.
(Theo http://www.doisongphapluat.com/)

Theo đặc phái viên TTXVN, đúng 10 giờ sáng 2/10 theo giờ Seoul (tức 8 giờ sáng theo giờ Hà Nội), tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã diễn ra Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc. 

Việt Nam và Hàn Quốc đẩy mạnh quan hệ đối tác hợp tác chiến lược
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi bà tới thăm Việt Nam hồi tháng 9/2013. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Lễ đón được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye chủ trì Lễ đón. Tổng thống Park Geun Hye đã đón chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mời Tổng Bí thư cùng bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Tổng thống Park Geun Hye mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự.
Sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Park Geun Hye. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye đã nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Hàn Quốc và cho rằng chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng Bí thư và Đoàn sẽ mở ra cơ hội mới cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn–Việt đang phát triển rất tốt đẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được thăm lại đất nước Hàn Quốc tươi đẹp. Tổng Bí thư chúc mừng Tổng thống Park Geun Hye, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc nhân dịp Ngày lễ Khai Thiên của dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước trong những năm qua; khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam coi phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc là sự lựa chọn chiến lược nhất quán, là một trong những ưu tiên lâu dài trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Trong bầu không khí cởi mở, hữu nghị, chân thành và tin cậy lẫn nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Park Geun Hye đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; tập trung trao đổi các phương hướng, biện pháp lớn nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong hơn 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt về những bước phát triển vuợt bậc kể từ khi nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược” cách đây 5 năm. Thực tiễn quan hệ hợp tác trong thời gian qua cho thấy, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc thực sự là những đối tác quan trọng, những người bạn chân thành của nhau; cả hai nước có rất nhiều lợi ích chiến lược tương đồng, có rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác và việc tăng cường hữu nghị, hợp tác Việt-Hàn là phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước, là nhân tố tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Park Geun Hye đã trao đổi và nhất trí về các giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao, giữa hai Chính phủ, hai Quốc hội và các chính đảng hai nước nhằm không ngừng nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tăng cường sự tin cậy chính trị tạo nền tảng định hướng cho sự phát triển quan hệ Việt-Hàn.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả thực chất và chiều sâu của các cơ chế đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách hiện có trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực lực lượng gìn giữ hòa bình và lực lượng chấp pháp trên biển, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và chống khủng bố.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Park Geun Hye nhất trí về chủ trương củng cố cơ chế Ủy ban liên Chính phủ hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu tầm cao mới của quan hệ hợp tác song phương trong việc hoạch định chiến lược dài hạn và điều phối tổng thể các hoạt động hợp tác để kết nối thành công giữa hai nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, góp phần bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau để phục vụ tốt các mục tiêu phát triển bền vững của mỗi nước vì thịnh vượng chung.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại đến năm 2020 là 70 tỷ USD; nhất trí đẩy nhanh để hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam-Hàn Quốc (FTA) vào cuối năm nay. Việt Nam hoan nghênh Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo hàng thay thế nhập khẩu, công nghiệp chế biến nông, thủy sản...
Tổng thống Park Geun Hye cam kết phía Hàn Quốc sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhất là hàng nông, thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm; mong muốn phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, giao thông, tài chính, ngân hàng...; tăng cường hợp tác nông nghiệp. Trên tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược vì sự thịnh vượng chung, hai nhà Lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục đàm phán, sớm ký Bản Ghi nhớ (MOU) bình thường về tiếp nhận lao động trong năm 2014.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu giữa các địa phương và giao lưu nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ và bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân mỗi nước hiện đang cư trú tại nước bên kia. Tổng thống Park Geun Hye khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và các gia đình đa văn hóa.
Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng với kết quả hợp tác tại các diễn đàn quốc tế giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời cho rằng trong thời gian tới hai bên cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả hơn liên quan đến các vấn đề khu vực và quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác hiện có, qua các kênh tiếp xúc, trao đổi song phương và tại các diễn đàn quốc tế đa phương, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình.
Hai bên cũng đánh giá cao kết quả hợp tác ASEAN - Hàn Quốc và hoan nghênh những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất ASEAN - Hàn Quốc. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bày tỏ ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017; hoan nghênh Việt Nam tham dự và đóng góp cho thành công của Hội nghị cấp cao đặc biệt Hàn Quốc – ASEAN vào cuối năm 2014.
Về tình hình khu vực, hai bên khẳng định lại Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc năm 2013, Việt Nam bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy đối thoại giảm căng thẳng, xây dựng hòa bình hướng tới thống nhất đất nước, thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Đông Bắc Á. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển và tự do hàng hải, sự cần thiết đối với các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện DOC và sớm xây dựng thông qua COC.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự đón tiếp hết sức trọng thị, nồng nhiệt và chân tình, chu đáo mà Tổng thống Park Geun Hye, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trân trọng mời Tổng thống Park Geun Hye thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp. Tổng thống Park Geun Hye cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vui vẻ nhận lời.
*Trước đó, cũng tại Phủ Tổng thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thống Park Geun Hye đã tiến hành hội đàm hẹp.
* Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Park Geun Hye đã dự Lễ ký 4 văn kiện hợp tác giữa hai nước: Bản ghi nhớ về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Quản lý Chương trình mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc về đảm bảo chất lượng nhà nước đối với sản phẩm và dịch vụ quốc phòng; Hiệp định vay vốn cho Dự án xây dựng đường nối cầu Vàm Cống; Bản ghi nhớ về hợp tác phối hợp các nguồn tài chính giữa Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam và Eximbank Hàn Quốc, với tổng số vốn 12 tỷ USD dành cho cho các lĩnh vực ưu tiên như giao thông, năng lượng...
* Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thống Park Geun Hye đã gặp gỡ các phóng viên hai nước và quốc tế, thông báo kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm.
(Theo http://dantri.com.vn/)

Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp cải thiện an ninh hàng hải, sau cuộc gặp giữa Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington hôm qua.

Mỹ dở bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington ngày 2/10.
 
Bộ ngoại giao Mỹ cho hay việc dỡ bỏ được áp dụng với các vũ khí phục vụ mục đích hàng hải.
Theo giới chức Bộ ngoại giao Mỹ, ông Kerry đã thông báo cho Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về quyết định trên khi hai ông có cuộc hội đàm tại Washington ngày 2/10.
Ông Kerry cho biết Washington điều chỉnh chính sách hiện thời "để cho phép chuyển giao các vũ khí phòng thủ, trong đó có vũ khí phòng thủ sát thương nhằm phục vụ các mục đích an ninh hàng hải".
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết các đề nghị của Việt Nam về bất kỳ vũ khí sát thương cụ thể nào sẽ được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp.
"Bộ ngoại giao Mỹ đã thực hiện các bước đi nhằm cho phép việc chuyển giao các vũ khí phòng thủ liên quan tới an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai", bà Psaki nói trong cuộc họp báo thường ngày hôm qua.
Theo giới chức Mỹ, trọng tâm sẽ là nhằm giúp Việt Nam tuần tra và bảo vệ vùng biển của mình trên Biển Đông, nhưng các vụ bán vũ khí trong tương lai có thể bao gồm tàu và các hệ thống trên không.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã hoan nghênh động thái trên.
"Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam phục vụ mục đích an ninh hàng hải sẽ tăng cường sự hợp tác quốc phòng theo hướng có lợi cho cả 2 nước", hãng tin Reuters dẫn lời ông McCain.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói rằng Hà Nội sẽ hoan nghênh việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sau khi báo chí Mỹ đưa tin rằng Washington sắp đi đến một quyết định về việc này.
Giới chức Bộ ngoại giao Mỹ từ chối nêu tên bất kỳ hệ thống vũ khí cụ thể nào có thể được cân nhắc cho thỏa thuận đầu tiên.
Nhưng các nguồn tin tại Mỹ cho biết Washington có thể bán cho Việt Nam các máy bay trinh sát P-3 Orion do Lockheed Martin chế tạo.
"Đây là một bước đi rất quan trọng đầu tiên nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong tương lai", một trong số các quan chức Mỹ nói. "Việc thay đổi chính sách này sẽ cho phép chúng ta... cung cấp cho Việt Nam khả năng phòng vệ ở Biển Đông".
Giới chức quốc phòng Mỹ xem Việt Nam là một thị trường hứa hẹn cho các thiết bị của họ do chính sách cân bằng chiến lược của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam vào năm 1984. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được bình thường hóa trong hơn 2 thập niên qua, với thương mại song phương hiện đạt mức khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
(Theo http://dantri.com.vn/)

Trong khi vị tướng hàng đầu quân đội Trung Quốc tới Mỹ, một sự kiện lan khắp Trung Quốc là lịch trình viếng thăm Hong Kong của tàu sân bay USS Carl Vinson.

Người Trung Quốc thường có quan điểm yêu - ghét với các chuyến viếng thăm cảng của tàu Mỹ, đặc biệt là Hong Kong. Một mặt, các sự kiện thường xảy ra trùng khớp với giai đoạn “tan băng” trong quan hệ ngoại giao Washington - Bắc Kinh và hải quân Mỹ coi đây là dấu hiệu của tình hữu nghị. 
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen và Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức họp báo tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AP 
Trung Quốc trong phần lớn trường hợp thường cho phép hoạt động này. Mặt khác, Trung Quốc cũng thường nhằm vào sự hăm hở của Mỹ khi cho tàu cập cảng Hong Kong khi coi đó là công cụ để thể hiện sự giận dữ với Washington nếu hai bên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Nhớ lại một trường hợp là việc Trung Quốc thẳng tay chặn nhóm tàu chiến đấu USS Kitty Hawk tới thăm Hong Kong vào dịp lễ Tạ ơn năm 2007 để trả đũa “hành động xấu” của Tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush do gặp gỡ với Đạt Lai Lạt Ma, và việc Washington tuyên bố bán hệ thống chống tên lửa Patriot cho Đài Loan. Kết quả là hơn 8.000 thủy thủ Mỹ đã phải quay lại giữa đường. Bị buộc trở lại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản,họ đã mất cơ hội gặp gỡ người thân tới Hong Kong trong dịp lễ này.
Được coi là biểu tượng sức mạnh hải quân Mỹ, chuyến viếng thăm của tàu Vinson không được nhiều người dân Trung Quốc hoan nghênh. Con tàu này được dùng để thủy táng Osama bin Laden hồi đầu tháng. Đáng chú ý là thời gian này, một trong những nước “thách thức” nhất với Trung Quốc trong chủ quyền hàng hải tại Biển Đông - khu vực biển mà Bắc Kinh có nhiều tranh chấp với một số quốc gia khác - là Philippines cũng chính là quốc gia mà Vinson đã có chuyến thăm hữu nghị trước khi tới Hong Kong.
Bất chấp những cảm giác phức tạp ấy, Bắc Kinh vẫn cho phép Vinson cập cảng Hong Kong vì chuyến thăm Mỹ của Tướng Trần Bỉnh Đức - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc mang lại cho họ nhiều lợi ích hơn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Hoàng Tuyết Bình nói với báo chí ở Bắc Kinh vài ngày trước đây với sự phấn khích: “Quân đội Mỹ trong nhiều năm không mở cửa một số địa điểm nhạy cảm cho lãnh đạo quân sự Trung Quốc tới thăm. Lần này, đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã có những sắp xếp đặc biệt để phái đoàn quân sự Trung Quốc có thể thăm những nơi này. Đây là dấu hiệu cho thấy đô đốc Mullen coi chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, và cũng thể hiện quan điểm tích cực của phía Mỹ trong việc phát triển quan hệ quân sự hai nước”.
Trở lại chuyện bán vũ khí cho Đài Loan
Trong chuyến công du kéo dài cả tuần lễ tới Mỹ, ông Trần Bỉnh Đức đã thúc giục Mỹ chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan. Ông cho hay, một số nghị sĩ Mỹ đã nhất trí với ông rằng, đây là lúc xem xét lại luật để Washington cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.
Trong bài phát biểu tại đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington hôm thứ tư, ông Trần đã đôi lần đề cập tới vấn đề này. Theo ông, đó là nguyên nhân chính làm xói mòn quan hệ Mỹ - Trung. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc cùng ngày, ông Trần đã đề cập lại lần nữa khi được hỏi về việc phản ứng thế nào nếu Mỹ đáp ứng yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan.
"Kể từ khi đến Mỹ, tôi đã có dịp trò chuyện với một số thành viên quốc hội và họ nói với tôi rằng, đây là lúc Mỹ cần xem xét lại đạo luật Quan hệ Đài Loan - đạo luật cho phép Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan”, ông nói.
Trung Quốc đã ngừng những tiếp xúc quân sự với Lầu Năm Góc vào đầu năm ngoái, sau khi Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD. Tuy nhiên, từ tháng 1 năm nay, sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, quan hệ hai bên bắt đầu ấm dần.
Trong chuyến công du của phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc tới Mỹ tuần trước, lãnh đạo quân sự Trung - Mỹ đã cố gắng tìm ra con đường hòa hợp hơn, góp phần cải thiện quan hệ quân sự song phương.
(Theo http://vietnamnet.vn/)

Làn sóng biểu tình ở Hong Kong đang thu hút sự chú ý của cả thế giới vào ông Tập Cận Bình. Người ta lo ngại rằng, nếu không được xử lý phù hợp, các cuộc biểu tình đường phố thậm chí có thể biến thành một cuộc cách mạng màu phiên bản TQ.

TQ, Hong Kong, dân chủ, Tập Cận Bình, biểu tình,
Biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: AP
“Các phong trào đường phố có thể trở thành một cuộc cách mạng khi nhiều người biểu tình bị cuốn vào đó”, bản tiếng Anh của tờ Thời báo Hoàn cầu TQ viết hôm qua. “Tuy nhiên, Hong Kong không phải là một quốc gia, cũng không có các điều kiện cho một cuộc ‘cách mạng màu’, và các lực lượng đường phố cũng không đủ ảnh hưởng để huy động toàn bộ dân chúng”.
Tuy nhiên, dù không có một kết cục như vậy và rất khó có thể xảy ra điều đó, thì những gì mà người biểu tình đang làm đều bất lợi với ông Tập Cận Bình cũng như toàn bộ đội ngũ lãnh đạo TQ.
Khi ông Tập muốn thể hiện với tất cả rằng, ông là người lãnh đạo quyền lực và hiệu quả nhất trong nhiều thập niên; rằng đảng cầm quyền chịu trách nhiệm hoàn toàn cho dù vô số vấn đề của TQ như tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập, bất ổn xã hội; rằng ông có tầm nhìn toàn diện với mọi người dân TQ gồm cả người ở Hong Kong hay Đài Loan… thì cuộc biểu tình lại đang chuyển tải thông điệp ngược lại.
Cho tới nay, thông điệp từ Bắc Kinh đều được kiểm soát cẩn thận. Một người phát ngôn cơ quan phụ trách vấn đề Hong Kong nói rằng, Bắc Kinh tin tưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR) có thể giải xử lý phong trào biểu tình Occupy Central theo luật pháp.
Trong khi đó, lại có bài báo lập luận rằng, TQ có thể điều quân đội tới Hong Kong nếu như cảnh sát địa phương không có khả năng đối phó với biểu tình. Thông tin này đăng tải được vài giờ trên Thời báo Hoàn cầu TQ trước khi bị gỡ bỏ. Một số trang web khác của nước này như Sohu cũng đăng lại tin.
“Mọi trang web phải lập tức xóa đi những thông tin về sinh viên Hong Kong đụng độ và về ‘Occupy Central’. Kịp thời báo cáo mọi vấn đề. Quản lý chặt chẽ mọi kênh tương tác và hoàn toàn xóa bỏ các thông tin bất lợi. Điều này cần phải tuân thủ một cách chính xác”, mạng Digital Times TQ nói về chỉ thị ban hành với truyền thông nước này.
Trong mọi nỗ lực dự đoán các biện pháp tiếp theo của Bắc Kinh đối phó với biểu tình ở Hong Kong, thì điều quan trọng là cần nhìn nhận quan điểm chính trị của ông Tập Cận Bình. Ông có vẻ thiên về việc ủng hộ áp dụng quyền lực từ trên cao.
Tuần trước, ông Tập đã có cuộc gặp với những người Đài Loan ủng hộ thống nhất ở Bắc Kinh. TQ sẽ “có lập trường vững chắc và kiên quyết”, Tân hoa xã dẫn lời ông nói với đoàn đại biểu. “Không hành động ly khai nào sẽ được dung thứ”.
Cùng lúc đó, ông Tập gắn chuyện thống nhất Đài Loan vào “giấc mơ TQ” của ông: “Chúng ta đang tiến gần hơn tới mục tiêu hồi sinh vĩ đại hơn bất kỳ thời khắc lịch sử nào. Chúng ta có sự tự tin và khả năng hơn bao giờ hết để hiện thực mục tiêu ấy, đó là tin tức tốt lành và cơ hội lịch sử cho Đài Loan”, ông bình luận.
Cuộc biểu tình Hong Kong cũng diễn ra trong lúc ông Tập dường như đang có ý định xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh mình, trước hết là về mặt quản trị. Hôm chủ nhật, Tân hoa xã đưa tin cuốn sách mới có tiêu đề ‘Tập Cận Bình: Cách quản trị của TQ” được dịch ra ít nhất 9 ngôn ngữ. Cuốn sách này gồm 79 bài viết, nhất mạnh vào “những bài phát biểu, trả lời, chỉ thị, đối thoại của ông Tập” và “cũng gồm 45 hình ảnh của ông Tập”, hãng này cho biết.
Cuối cùng, nếu được coi là hoàn toàn cần thiết, ông Tập và đội ngũ lãnh đạo của ông có lẽ sẽ không nhượng bộ trong quan điểm với phong trào biểu tình. Rủi ro về kinh tế và kinh doanh là một cái giá có thể chấp nhận được để đảm bảo quyền lực của TQ với Hong Kong.
(Theo http://vietnamnet.vn/)
Flag Counter

Sự Thật và Dối Trá

Sự Thật và Dối Trá

XEM NHIỀU

bunhinrom007@gmail.com. Được tạo bởi Blogger.

Lượt Xem